Trên địa bàn TP Móng Cái có 28.368 trẻ, chiếm 26,65 % tổng dân số. Hiện nay, Thành phố còn 239 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trong đó có 08 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân; 182 trẻ em khuyết tật, tàn tật nặng và đặc biệt nặng; 48 trẻ bị khuyết tật nhẹ, ...; Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 665 trẻ, trong đó có 40 trẻ là con hộ cận nghèo; 267 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ,... Để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, thực hiện công tác trẻ em như: Kế hoạch số 32/KH-UBND, ngày 07/02/2023 về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2023; Kế hoạch số 160/KH-UBND, ngày 11/05/2023 về thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh hè năm 2023; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 29/02/2024 Kế hoạch thực hiện công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố Móng Cái năm 2024. Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 20/4/2021 Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thành phố Móng Cái giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đồng chí Nguyễn Đông Phong, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, cho biết: “Hằng năm, Thành phố đã xây dựng các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, bạo lực; công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Trong đó, chú trọng những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng giai đoạn, từng sự kiện, như: Tháng hành động vì trẻ em, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu... Đồng thời, Thành phố chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các xã, phường lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phối hợp, làm tốt công tác xã hội hóa về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Năm 2023, Thành phố đã bố trí 420 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn”.
Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, TP Móng Cái đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương và cộng đồng chung tay thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng để giảm thiểu tác hại ảnh hưởng đến trẻ như: Phòng chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, mua bán, bỏ rơi… trẻ em. Nâng nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt. Tạo nền tảng vững chắc giúp các em phát triển toàn diện hơn cả về thể chất lẫn tinh thần trong một môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ can thiệp kịp thời, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định.
Thành phố đã tổ chức các chiến dịch truyền thông, lồng ghép vào các hội nghị nhằm vận động chính sách cho việc triển khai chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời đến các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng về lợi ích của việc can thiệp sớm trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ em. Phát các tài liệu truyền thông về kiến thức, kỹ năng cơ bản về thực hành nuôi dạy trẻ em, hỗ trợ nuôi dưỡng chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, vui chơi, học tập cho trẻ em; tư vấn và hướng dẫn thực hành nuôi dạy con đối với cha mẹ và người chăm sóc trẻ em; giáo dục sớm, an toàn và bảo vệ trẻ em phù hợp với độ tuổi,…
Thực hiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, Thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã phối hợp cùng Trạm Y tế lồng ghép các họat động tại các điểm trường và khu dân cư truyền thông về chăm sóc trẻ em đầu đời, chăm sóc trẻ em khuyết tật, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, béo phì ở trẻ em.
Hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi: Thể thấp còi là 4,49% giảm 0,29% so với cùng kỳ; Thể thừa cân, béo phì là 3,25% giảm 0,25% so với cùng kỳ. Công tác tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em dưới 1 tuổi thực hiện định kỳ hàng tháng đảm bảo chỉ tiêu Tỉnh giao, năm 2023 đạt 96%. Triển khai thực hiện tốt chương trình khám sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng tạo miễn dịch cơ bản đạt 100%; Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 12.897 trẻ.
Trong năm 2023, Thành phố phối hợp với các đơn vị tài trợ (Trung tâm Bảo trợ xã hội và trẻ em mồ côi Tỉnh; Công ty Bảo hiểm AIA Móng Cái) trao tặng 44 xe đạp cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh đỡ đầu dài hạn cho 06 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố với số tiền 500.000đ/tháng/trẻ. Ngoài ra, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nhận đỡ đầu 24 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền từ 300.000đ-500.000đ/tháng/trẻ.
Để bảo đảm quyền được học tập cho trẻ em, Thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huy động sức mạnh toàn dân tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Thành phố hiện có 64 cơ sở giáo dục (32 trường mầm non và cơ sở giáo dục mầm non, 15 trường tiểu học, 16 trường THCS, 3 trường THPT và 1 Trung tâm GDNN&GDTX); 100% trường đạt kiên cố hóa, trên 90% trường đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho các em vui chơi, học tập phát triển toàn diện. Các nhà trường đã triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường giáo dục không bạo lực; thực hiện các giải pháp phổ cập giáo dục, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục, cơ sở vật chất đảm bảo, môi trường nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; bảo đảm y tế trường học và thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em,… Cùng với chú trọng chất lượng đào tạo, các trường học còn kết hợp với Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Minh Trí tổ chức hoạt động ngoại khóa để giáo dục, đào tạo các kỹ năng để trẻ em có thể tự phòng vệ, tạo môi trường phát triển các thế mạnh, sở trường, năng khiếu cho trẻ. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục được duy trì, quyền học tập của trẻ em được bảo đảm, kỹ năng sống của trẻ dần được cải thiện.
Nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được triển khai trên địa bàn, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, như: Mô hình phòng chống tai nạn thương tích; Mô hình phòng ngừa hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Mô hình phòng ngừa, tiếp nhận và hỗ trợ trẻ em bị buôn bán trở về; Mô hình tuyên truyền viên măng non; Mô hình hội đồng trẻ em; Mô hình “Phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật tại xã, phường.
Hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, Thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình phúc lợi, sân chơi, bãi tập, nhà văn hóa. Chỉ đạo gắn việc quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao với việc tạo không gian vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn như tập luyện bóng đá, bóng bàn, võ thuật…; tận dụng các thiết chế văn hóa là nơi sinh hoạt của các đoàn thể, hội nhóm: đoàn thanh niên, câu lạc bộ năng khiếu; tổ chức các hình thức hoạt động phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em như: Các chương trình lễ hội, ca nhạc dành riêng cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6... tạo thêm cho các em những sân chơi bổ ích và cơ hội thụ hưởng, thực hiện quyền vui chơi giải trí của trẻ em.
Với các giải pháp thiết thực, phù hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trẻ em do Thành phố và các ngành thực hiện đã giúp trẻ em trên địa bàn Thành phố phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, góp phần cùng toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mục tiêu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước.