Dưới mái đình làng biển, những câu chuyện việc làng vẫn tiếp diễn như cách đây hàng trăm năm. Làng Trà Cổ xưa, nay là phường Trà Cổ thuộc thành phố sầm uất vùng biên cương Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nhưng những nét văn hoá dường như vẫn nối tiếp vẹn nguyên từ thuở khai ấp lập làng trong thế kỷ XVI. Từ những ông tổ là người Đồ Sơn đi đánh cá dạt vào dải đất này, họ bảo nhau “Ở đây vui thú non tiên/Ngày ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”, ngư dân quần tụ và ngày một đông đúc.
Giữa làng là ngôi đình Trà Cổ đồ sộ mang kiến trúc đặc trưng của đình làng vùng quê Bắc bộ, tựa như “cột mốc văn hoá Việt” nơi biên ải. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, trên các đầu xà, cửa võng là những tác phẩm phượng long chạm trổ tinh vi, các long ngai, sắc phong quý giá có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Hàng năm, lễ hội đình Trà Cổ tổ chức vào đầu tháng 6 Âm lịch, đặc sắc nhất có tục thi lợn to được gọi là “Ông Voi”, thi cỗ chay, cỗ mặn, tưởng nhớ công ơn của tiền nhân và thể hiện ước nguyện về cuộc sống ấm no, đủ đầy. Năm 2019, lễ hội được vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.
Ông Khổng Minh Tiệp, Phó Ban quản lý đình Trà Cổ chia sẻ: “Con người Trà Cổ phát huy truyền thống cha ông, nhất là quan điểm dựng nước và giữ nước với lòng yêu nước sâu sắc. Dù giáp biên, dù chịu cảnh đô hộ hàng nghìn năm nhưng tất cả nét văn hoá của làng đều giữ được truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt là ở đây nếp sống văn hoá cưới xin, lễ hôi, ma chay cũng có những nét đặc sắc, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế nhờ có sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng”.
Đời sống của người Trà Cổ gắn chặt với biển. Bãi biển ở đây dài tới 17km, cong hình cánh cung, bãi cát trắng mịn, hàng phi lao mượt mà xanh thẫm trải dài tít tắp. Trên những con sóng bạc, ngư dân làng chài ra khơi đêm ngày, mang về những khoang thuyền chất đầy những loại hải sản nức tiếng như ghẹ, bề bề, cá, mực… Lão ngư Khổng Văn Sự tự hào kể, ông được công nhận là người giỏi nghề đánh lưới te bậc nhất trong làng. Làng biển giờ đây hơn 1000 hộ dân thì vẫn còn hơn 60% theo các nghề “cha truyền con nối” như kéo lưới bãi ngang, đánh te đánh tép, thả lưới ghẹ, lưới tôm, đào còng, nạo vạng…
“Chúng tôi sinh ra và lớn lên đều sống về biển, biển đưa lại quyền lợi lợi ích sát sườn cho mỗi con người ở đất Trà Cổ này. Kinh tế phát triển thì nhiều người làm du lịch hơn nhưng con người ở dây vẫn giữ được truyền thống ông cha để lại dù cuộc sống làm biển vất vả, sóng to gió lớn”, lão ngư Khổng Văn Sự nói.
Từ một làng biển ở nơi địa đầu xa xôi, giờ đây Trà Cổ đã là Khu du lịch quốc gia. Những con đường ngày một rộng hơn, đưa du khách tấp nập tới đây, ngắm cảnh, tắm biển và thưởng thức hải sản tươi rói. Ai cũng muốn đặt chân tới mũi Sa Vĩ, “nơi đặt nét bút đầu tiên viết nên hình chữ S Việt Nam”, đứng nơi cửa sông biên giới để thấy nơi bắt đầu vùng biển vùng trời Tổ quốc, đứng dưới mái đình xưa làng biển để ngắm “những thăng trầm thời gian, đã ghi tạc hình dáng”… Người Trà Cổ trở thành những “hướng dẫn viên bản địa” với nét thuần hậu, chất phác, đưa văn hoá của đất và người quê hương đến với du khách bốn phương.
Ông Nghiêm Trọng Luân, Phó Chủ tịch UBND phường Trà Cổ cho biết: “Hiện nay đời sống nhân dân Trà Cổ cơ bản giữ nguyên truyền thống xa xưa để lại, từ các ngành nghề truyền thống, đến các hoạt động văn hoá nhiều đời nay. Những hoạt động diễn ra thường ngày đó là yếu tố góp phần giữ gìn bản sắc quê hương, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn, tạo ra các sản phẩm du lịch thế mạnh cho địa phương, đem đến các trải nghiệm đa dạng”.
Trước mắt, hoạt động “Một ngày làm ngư dân” đã được đưa vào khai thác với sự tham gia của các ngư dân lành nghề, đem lại những trải nghiệm thú vị cho du khách. Những lễ hội, những phong tục đặc sắc khác cũng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho người dân có thêm kế sinh nhai bền vững. Nơi địa đầu Tổ quốc, người Trà Cổ như những hàng dương vững chãi, cùng sống và bảo vệ những giá trị văn hoá lâu bền của dân tộc./.