Lễ hội Đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3424/QĐ-BVHTT&DL ngày 10/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tại buổi lễ, đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã trao Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với lễ hội đình Vạn Ninh.
Đình Vạn Ninh được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV để thờ Lý Thường Kiệt người được tôn là Thành hoàng làng. Theo lịch sử, trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, tướng quân Lý Thường Kiệt đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thuỷ quân. Người Vạn Ninh tự hào và để tưởng nhớ công lao ông, sau này, nhân dân xã Vạn Ninh đã xây dựng đình và tôn thờ Lý Thường Kiệt làm thành hoàng làng và phối thờ cùng các vị thành hoàng khác ở trong đình. Lễ hội Đình Vạn Ninh được diễn ra trong 02 ngày từ mùng 10 và 11 tháng Giêng. Từ xưa tới nay, Đình luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh cộng đồng của xã Vạn Ninh nói riêng, của nhân dân TP Móng Cái nói chung.
Lễ hội diễn ra trang trọng, tôn nghiêm với phần lễ có các hoạt động như: Lễ cáo yết, lễ rước thần, lễ tế... và phần hội với nhiều hoạt động phong phú gồm: Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, hát đối, các trò chơi bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, kéo co, bóng đá.
Trước đó vào năm 2008, Đình Vạn Ninh được phục dựng lại trên nền móng cũ là một gò đất cao, địa thế khá đẹp theo hướng Đông Nam, với diện tích khuôn viên hơn 1.000 m2 và diện tích ngôi đình rộng 200 m2. Năm 2011, Đình Vạn Ninh được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Tính đến nay, Móng Cái có 1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 12 di tích lịch sử cấp tỉnh trong tổng số 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại TP Móng Cái. Ngoài ra, TP Móng Cái còn có 40 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, phân loại, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội truyền thống Đình Trà Cổ; Hát nhà tơ-Hát múa cửa đình; Lễ hội truyền thống Đình Vạn Ninh. Đây là những “Cột mốc văn hóa” trường tồn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Cùng với di tích Đình Vạn Ninh, Lễ hội Đình Vạn Ninh là một lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc mang đầy đủ những nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, là biểu trưng của nền văn hóa Việt và là “cột mốc văn hoá” khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc./.