Móng Cái ứng dụng KHCN, tạo sản phẩm OCOP đặc sắc có tính cạnh tranh cao

17/10/2023 14:52
Trong những năm qua, thành phố Móng Cái đã triển khai thực hiện Đề án chương trình phát triển sản phẩm OCOP đạt nhiều kết quả tích cực; Trong đó việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn với đổi mới, tư duy, quy mô, phương thức sản xuất đã tạo ra các sản phẩm OCOP đặc sắc có tính cạnh tranh cao.

Hằng năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Móng Cái đã cụ thể hóa chỉ đạo thực hiện tại các Nghị quyết, kế hoạch gắn với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; các xã, phường đã bám sát và tổ chức triển khai có hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên. Chương trình đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các chủ thể OCOP, các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp; khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia (thành lập mới được 03 Hợp tác xã nông nghiệp; 04 Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia); thông qua việc trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể đã thay đổi tích cực về tư duy phát triển kinh tế tiếp cận với thị trường, chú trọng yếu tố chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm. Phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì gắn với sự tiện lợi trong tiêu dùng, theo thị hiếu, nhu cầu của người sử dụng, nâng cao vai trò của chủ thể với cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; 22 sản phẩm được chấp thuận tham gia chu trình OCOP, đặc biệt có 03 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (Tôm thẻ chân trắng Móng Cái; Ghẹ Trà Cổ; Lợn Móng Cái); trong đó, sản phẩm Tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực cấp Tỉnh, Lợn Móng Cái là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia. 

Nuôi tôm ở  xã Vạn Ninh (TP Móng Cái)

Quan điểm của TP Móng Cái là chương trình phát triển sản phẩm OCOP phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Chính quyền, theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt quản lý và hỗ trợ. Phát triển sản phẩm OCOP thực sự trở thành động lực, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn Thành phố. Phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, trọng tâm và đi đầu ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP. 

Phải xây dựng được sản phẩm OCOP thương hiệu cấp quốc gia; nâng cấp, nâng tầm sản phẩm phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị; doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia chương trình OCOP phải thực sự giàu có, thịnh vượng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố; hướng tới xây dựng thành phố Móng Cái trở thành đô thị loại I vào năm 2030. 

Từ đó, thực hiện các giải pháp phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, góp phần giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của vùng nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ được bản sắc văn hóa, hướng tới mục tiêu “Người dân giàu có - Nông thôn văn minh - Xã hội phát triển”, góp phần xây dựng Khu kinh tế của khẩu Móng Cái phát triển nhanh, bền vững. 

Nuôi bò tại trang trại Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa). Ảnh: Trần Tương 

Đặc biệt, Móng Cái đã ứng dụng KHCN, tạo sản phẩm OCOP đặc sắc có tính cạnh tranh cao thông qua việc xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử giới thiệu riêng về sản phẩm OCOP của Thành phố; tham gia hệ thống sàn thương mại điện tử OCOP tích hợp dữ liệu, kết nối liên thông với Tỉnh và Trung ương, kết nối hệ thống cổng thương mại điện tử quốc gia, quốc tế; xây dựng phương án quản lý sản phẩm OCOP (số lượng, chất lượng) trên sàn thương mại điện tử. Tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo (công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh...) để phát triển phát triển một số các mô hình sản xuất  theo chuỗi giá trị. 

          Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm OCOP. Áp dụng các giải pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng, chỉ dẫn địa lý với sản phẩm Lợn Móng Cái; nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Ghẹ Trà Cổ; nhãn hiệu tập thể sản phẩm Tôm thẻ chân trắng và sản phẩm Khoai lang, các sản phẩm chế biến từ vùng dược liệu, khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 03 sao trở lên. Phối hợp với các sở ngành liên quan để triển khai Đề án bảo tồn và phát huy một số nguồn gen quý, hiếm trên cây trồng, vật nuôi: Lợn Móng Cái, Trà Hoa Vàng và một số cây dược liệu khác.... Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP khu vực biển đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa gắn với thực hiện chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

          Phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp, các hộ liên kết sản xuất, hướng tới xây dựng doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, thực hiện chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao và công nghệ số trong chăn nuôi, trồng trọt (mô hình tuần hoàn khép kín, nhà màng, sử dụng thiết bị cảm biến, kết nối IoT, giám sát AI kiểm soát chất lượng đầu vào/đầu ra…).

Mới đây, thành phố Móng Cái đã thực hiện thành công mô hình trồng thử nghiệm giống lúa thuần mới TBR87; TBR97 vụ mùa 2023. Đây là một trong những hiệu quả của việc ứng dụng KHCN, giống mới vào sản xuất ở thành phố. Mô hình được thực hiện tại khu 1, phường Hải Yên với 5 hộ nông dân tham gia trên diện tích 02ha, năng suất giống TBR87 đạt 60 tạ/ha; giống TBR97 đạt 56 tạ/ha, cao hơn nhiều so với một số giống đối chứng.

Móng Cái đã thực hiện thành công mô hình trồng thử nghiệm giống lúa thuần mới TBR87; TBR97 vụ mùa 2023

Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái đánh giá: sự thành công bước đầu của mô hình thử nghiệm trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ nhằm tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn có thể thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao có gen chống chịu sâu bệnh vào sản xuất thay thế các giống lúa truyền thống kém hiệu quả, chọn ra những giống cây trồng mới có năng suất, chất l­ượng tốt, thời gian sinh trư­ởng ngắn, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và điều kiện canh tác của địa phương để tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nuôi dê cho giá trị kinh tế cao ở xã Bắc Sơn 

Như vậy, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP đặc sắc, TP Móng Cái không ngừng nỗ lực thúc đẩy ngành nông- lâm- ngư nghiệp, phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2025 là: 100% cán bộ, đảng viên, hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã được tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm OCOP và gắn với chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh. Quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Vạn Ninh, Hải Xuân và phường Ninh Dương; Vùng nuôi bò tập trung xã Quảng Nghĩa; Vùng chăn nuôi, bảo tồn giống lợn Móng Cái xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa; Vùng trồng dược liệu Hải Sơn, Bắc Sơn, Hải Tiến, Hải Đông, Quảng Nghĩa; Vùng trồng khoai lang Hải Tiến, Hải Đông, Vạn Ninh, Hải Xuân, Bình Ngọc.  Phát triển mới 05 doanh nghiệp, hợp tác xã. 16 sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên, 01 sản phẩm OCOP đạt 05 sao. Phát triển các sản phẩm chủ lực: Lợn, Bò, Tôm, Khoai lang, Dược liệu. 30% số sản phẩm OCOP được đưa vào Trung tâm thương mại, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Triển khai 01 dự án/01 sản phẩm chủ lực của Thành phố theo hướng liên kết trong sản xuất, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...