Móng Cái: "Điểm khởi đầu" của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ

30/10/2013 00:00
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng thí điểm một số chính sách mở cửa tại Móng Cái. Và sự thành công của cuộc “thí điểm” này đã đưa Móng Cái thành một điểm sáng trên bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh, nhất là kinh tế cửa khẩu. Cơ cấu kinh tế của Móng Cái chuyển hướng phát triển từ kinh tế thuần nông sang mũi nhọn thương mại, du lịch, dịch vụ.

Sức hấp dẫn của vùng kinh tế cửa khẩu

So với nhiều địa phương trong tỉnh và các vùng lân cận, Móng Cái là địa phương duy nhất có cả cửa khẩu quốc tế trên bộ lẫn trên biển, là "điểm khởi đầu" của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ gồm tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng với trục giao thông ven biển Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Ninh Bình. Mục tiêu vành đai kinh tế sẽ trở thành khu vực kinh tế năng động, có sức thúc đẩy cả vùng Bắc Bộ và trở thành động lực trong hợp tác phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật với Trung Quốc và các nước ASEAN, đồng thời kết nối với các khu vực ven biển khác trong cả nước tạo thành một vành đai kinh tế ven biển phát triển nhanh, thúc đẩy và gắn kết các vùng khác trong nội địa cùng phát triển.

Cùng với các cơ chế chính sách ưu đãi thể hiện tại Quyết định 675/TTg, Quyết định 103/1998/QĐ-TTg và Quyết định 53/2001/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (áp dụng thí điểm một số chính sách về đầu tư; thuế, tài chính; chính sách đất đai và sử dụng tài nguyên; chính sách về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu), Móng Cái đã tạo được sức hấp dẫn và nhanh chóng thu hút một nguồn lực đầu tư lớn. Đến thời điểm hiện tại, Móng Cái đã có 21 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 600 triệu USD. Trong đó, có 9 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; 12 dự án đầu tư vào các lĩnh vực khách sạn, du lịch và dịch vụ, sản xuất hàng xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước đạt con số 1.000 doanh nghiệp hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực ngành nghề. Ngoài ra, Móng Cái đã hình thành 3 khu, cụm công nghiệp đó là cụm công nghiệp Ninh Dương, cụm công nghiệp Hải Hoà và khu công nghiệp Hải Yên.

Đối với hoạt động thương mại biên giới, Móng Cái cũng đã đón nhận hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước và doanh nghiệp để hình thành nên hệ thống hạ tầng khu vực cửa khẩu đồng bộ với các bãi kiểm hoá, bến bãi bốc xếp hàng hoá XNK. Bao gồm, cửa khẩu Bắc Luân (4.000m2), cửa khẩu Ka Long (3.000m2), điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu Lục Lầm (27.000m2) và điểm kiểm tra hàng hoá tập trung với diện tích 13.600m2 tại khu vực gần cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hoá do doanh nghiệp đầu tư được mở rộng với tổng diện tích trên 50.000m2, có 7 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 11 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, 9 kho lạnh đạt tiêu chuẩn bảo quản hàng hoá chờ xuất ở nhiệt độ  -18oC đến -22oC, 12 kho ngoại quan với diện tích 14.453m2.

Thành tựu sau những năm đổi mới

Phải nói rằng, thành tựu nổi bật nhất của kinh tế Móng Cái sau những năm đổi mới và đặc biệt trong 5 năm trở lại đây đó là đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế với nhịp độ ổn định và luôn đạt ở 2 con số. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó, thương mại - dịch vụ chiếm trên 70% tỷ trọng kinh tế. Tổng giá trị hàng hoá hai chiều qua cửa khẩu Móng Cái trong thời gian này đạt 18.070 triệu USD, tăng bình quân 26,25%/năm, chiếm 95,7% tổng kim ngạch hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền của tỉnh và chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng). Thu thuế XNK qua cửa khẩu Móng Cái chiếm 85,3% tổng thu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh và chiếm 28,5% tổng thu XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc. Thị trường nội địa phát triển ổn định, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và tiêu dùng xã hội, trong 5 năm đạt 21.294 tỷ đồng, tăng bình quân 23,55%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 18.067,4 tỷ đồng, tăng bình quân 22,5%/năm.

Lĩnh vực du lịch có bước phát triển mạnh với các loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái khoảng 10 triệu lượt người với doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân từ 12-14%/năm. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với từng vùng. Sản lượng lương thực luôn duy trì ở mức trên 17.000 tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực.

Cùng với sự phát triển của ngành thương mại, dịch vụ, ngành công nghiệp của Móng Cái đã làm thay đổi tỷ trọng kinh tế công nghiệp địa phương và giải quyết việc làm cho hơn 2 vạn lao động có thu nhập ổn định. Thu ngân sách Nhà nước hàng năm có bước tăng trưởng khá, góp phần quan trọng bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 1996-2013, tổng thu ngân sách đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Và mục tiêu xây dựng thành phố cửa khẩu hiện đại

Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến 2020 đã xác định rõ Móng Cái sẽ là đô thị biên giới loại II, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại; là đô thị xanh, thân thiện với môi trường; có quy mô dân số khoảng 175.000 người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 11-12%/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, TP Móng Cái đang tiếp tục chủ động nắm thời cơ, vận hội để phát triển. Đặc biệt, thành phố sẽ thực hiện ưu tiên đầu tư đối với 26 công trình trọng điểm mà đề án đã xác định.

Như có thêm động lực cho Móng Cái khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2012/ QĐ-TTg chính thức thành lập Khu kinh tế cửa khẩu  Móng Cái. Móng Cái tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo cho tỉnh nhà nâng cao hơn nữa vai trò "điểm khởi đầu" của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và những cơ hội lớn để phát triển thương mại khu vực biên giới.

Nguồn: www.baoquangninh.com.vn

 

 

Loading...