Nhọc nhằn nghề thú y cơ sở

31/08/2024 17:31
Từ xưa tới nay, mạng lưới thú y cơ sở vốn được gọi được coi là “cánh tay nối dài” của ngành chăn nuôi. Nếu như con trâu là đầu cơ nghiệp, đàn lợn là nguồn thu nhập chính của mỗi hộ gia đình nông dân thì những cán bộ thú y chính là những bác sỹ mà hộ chăn nuôi tin tưởng nhất, cảm mến nhất, điểm tựa vững chắc nhất để cứu cả “đầu cơ nghiệp” ấy. Giá trị là vậy, nhưng trên thực tế, nghề thú y cơ sở còn lắm nỗi nhọc nhằn.

“Hầu như năm nào tôi cũng tiêm thuốc phòng dại vào người”

Đó là tâm sự của chị Tăng Thị Huê, cán bộ thú y của xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. 

Chị Huê năm nay 57 tuổi, nhưng đã gắn bó với nghề thú y 34 năm. Câu chuyện về lòng yêu nghề của chị có lẽ khiến bất kỳ ai được nghe kể cũng phải chạm lòng, vì chị bảo: coi khó khăn là động lực- dù nghề có vất vả nhọc nhằn cũng nhất quyết không bỏ nghề!

Học trung cấp nông nghiệp, khoa chăn nuôi thú y ở Quảng Ninh, năm 1990, cô gái 23 tuổi Tăng Thị Huê về vùng đất nông nghiệp Hải Tiến nơi biên giới Móng Cái xa xôi làm công tác thú y. Trước đây, cán bộ thú y không phải là bán chuyên trách mà chỉ là hưởng phụ cấp nên chế độ rất thấp. Chị Huê kể: “chỉ là khoảng mấy nghìn đồng/ tháng thôi”. Nhưng cái tâm với nghề thì thật sự khiến chị Huê lăn xả. 

Chị Tăng Thị Huê với công việc thường ngày của 34 năm công tác 

Phải đi từng nhà, rà soát từng đối tượng, chữa trị cho vật nuôi khi ốm, tiêm phòng vào mỗi vụ xuân hè, thu đông… trong điều kiện môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn lây bệnh, có nơi còn kém vệ sinh, có nhiều bệnh nguy hiểm lây lan từ vật nuôi sang người. Chị Huê bảo: cuộc đời chị 34 năm công tác, là phụ nữ, nhưng số ngày đeo ủng nhiều hơn đeo giày đeo dép. Đến nỗi giờ chị có đi dép hay đi guốc cũng không quen nữa! 

Chị kể, ngày xưa, có lúc vào những chuồng trâu mất vệ sinh để tiêm, có khi phân ngập tràn cả ủng. Các bệnh ngoài da đối với chị trở nên quá bình thường, thậm chí miễn dịch. 

Ngày nay thì công tác vệ sinh tốt rồi, nhưng, tiêm thuốc phòng dại vào người thì hầu như năm nào cũng có! Người phụ nữ rắn rỏi kể chuyện đi tiêm phòng cho chó, bị chó cắn đến nát tay, rồi phải tiêm phòng cho chính mình. Chó chết, chị phải tiêm đến 7 mũi và sống trong tâm trạng theo dõi…Thực sự quá nhọc nhằn! Rồi quá trình tiêm cho gia súc lớn, có lần, Bò vùng chạy quẩn dây vào người khiến chị Huê gẫy tay phải; hay có lần Trâu lồng lên làm chị ngã đập đầu, tưởng chấn thương không qua khỏi … là những vất vả mà nghề thú y hay gặp phải.

Đặc biệt, tính chất công việc là phụ thuộc vào giờ giấc của chủ nhà, đặc thù của vùng, vào đặc tính của vật nuôi nên thời gian làm việc hiệu quả nhất của cán bộ thú y là vào đêm tối và sáng sớm.

“Sáng sớm đi tiêm gà, tiêm được mấy nhà thì trời sáng. Lại dừng. Chiều tối đi tiêm trâu, tiêm hết công suất thì cũng phải khá nhiều ngày mới hết tổng đàn trên 700 con. Hải Tiến vừa là vùng sản xuất nông nghiệp, lại là vùng biển, bà con tranh thủ nông nhàn là đi biển kiếm cá, nên cán bộ thú y phải đợi khi nào “kém nước”, dân không đi biển, ở nhà, thì mới mở cửa cho vào tiêm cho vật nuôi. Và chủ yếu là buổi tối thì mới làm được. Do vậy, đi tiêm phòng từ 4h chiều đến 12h đêm là chuyện rất bình thường đối với cán bộ thú y”- Chị Huê chia sẻ. 

Những cán bộ thú y căng mình phòng chống dịch, vất vả với phần việc tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh 

Nhất là khi chiến dịch tiêm chủng, phòng chống dịch…Việc nhiều, cả xã cũng chỉ có 1 cán bộ thú y. Với bà con làm nông nghiệp, con trâu là đầu cơ nghiệp, con bò, đàn lợn, đàn gà chính là nguồn học phí của con em, là nguồn sống của cả gia đình… , cho nên bác thú y là chỗ dựa của bà con. Và càng vào thời điểm dịch, điểm tựa như chị càng áp lực. “Bà con chỉ trông đợi vào mình- mình càng phải có trách nhiệm và càng cố gắng”- Người phụ nữ nhỏ bé say nghề nên kể chuyện tiêm phòng, chống dịch thật say mê!

“có lần có con bò bị viêm da nổi cục, theo chỉ định chung là kích điện và tiêu hủy. Nhưng nghe nói thế, người chủ hộ nuôi khóc ròng, con bò cũng chảy nước mắt. Tôi đã tiêm cho con bò này nhiều lần rồi, thực sự có tình cảm với nó nên nhìn cảnh này- tôi cũng khóc. Và với kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi quyết định mạnh dạn xin ý kiến cấp trên quyết tâm điều trị. May mắn thay, chú bò này sống sót, khỏi bệnh. Đó là niềm vui của người làm nghề chúng tôi!

Cũng như chị Huê, các cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn thành phố Móng Cái và các địa phương trong cả nước đều chung nỗi vất vả nhọc nhằn. Nhưng niềm say nghề, tình cảm và sự chia sẻ với người nông dân bám đất, bám làng, bám đồng ruộng, chuồng trại, tình yêu với những vật nuôi là một sợi dây lý tưởng vô hình nhưng day dứt kéo cán bộ thú y gắn bó với địa bàn, với công việc.

Chị Họa- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Quảng Nghĩa vốn là cán bộ thú y cơ sở và nay chị vẫn kiêm nhiệm việc làm này sau những giờ hành chính.

Trút bộ áo dài duyên dáng, từ chiều đến tối khuya, đeo găng, đeo ủng, cán bộ thú y xã Quảng Nghĩa Trần Thị Họa cần mẫn trên hành trình đảm bảo an toàn cho vật nuôi, mang lại niềm tin vui cho mỗi bà con chăn nuôi. Chị Họa như điểm tựa, như “bà đỡ”, như người “bảo toàn cơ nghiệp” của hàng trăm hộ nông dân nơi vùng đất nông nghiệp Quảng Nghĩa.

Cũng không tránh khỏi các tai nạn nghề, chị Họa cũng đã nhiều lần bị chó cắn, bị các chấn thương trong quá trình tiêm phòng cho vật nuôi. Nhưng khi được hỏi: có khi nào Họa muốn thôi không làm nghề này nữa, thì Họa bảo: 17 năm qua, tôi yêu nghề, thương người nông dân, yêu đàn vật nuôi- nhất định tôi không bỏ nghề! 

Cũng vì đam mê nghề, hiểu được ưu nhược điểm của từng loại vật nuôi và đặc tính vùng, nên cán bộ thú y cũng đã tham mưu tích cực, chuẩn xác cho định hướng phát triển sản xuất ở địa phương, từ đó, giúp mỗi gia trại, nông trại và ngành chăn nuôi xã nhà có sự phát triển ổn định, ngày càng tránh được những rủi ro bệnh dịch, tăng tổng đàn, tăng giá trị kinh tế.

Yêu nghề bên nỗi nhọc nhằn  

Nhiều nhọc nhằn vất vả như vậy, nhưng chế độ đối với cán bộ thú y cơ sở  hiện nay chỉ là phụ cấp bán chuyên trách. Từ 1/7/2024, do nhà nước điều chỉnh hệ số lương nên cán bộ thú y như chị Huê được hưởng cao hơn nhưng cũng chỉ trên 3 triệu đồng/ tháng. Còn với mức cũ, thì tương đối thấp so với công việc. Và cũng vì bán chuyên trách nên nhiều chế độ cũng không có. Được biết, vào nghề rất lâu, sau quá trình kiến nghị, đề xuất hàng chục năm, đến năm 2017, Chị Huê mới được đóng BHXH. Vậy là, nay đã 57 tuổi, người phụ nữ này còn xa lắm mới có lương hưu!

Còn Họa thì sau nhiều năm công tác tại xã, đã phấn đấu với rất nhiều công việc và giờ đã trở thành Chủ tịch Hội LHPN xã, nhưng vẫn kiêm cán bộ thú y. Chế độ chưa cao, nên để bám trụ với nghề, Họa cũng như nhiều anh chị em khác đều chủ động, năng nổ làm thêm nhiều công việc sau giờ công sở như: chăn nuôi, trồng trọt, bán hàng online…

Họa khá băn khoăn: Trong tâm trạng tai nạn nghề cũng đôi lúc thấy rằng tính mạng và sức khoẻ mình phải đánh đổi nhiều mới trụ vững với nghề. Nếu làm hết chức năng nhiệm vụ thì thú y cơ sở lượng công việc gần bằng cán bộ công chức nhưng chế độ như cán bộ bán chuyên trách là chưa hợp lý!

Chị Trần Thị Họa chăm chỉ cần mẫn với công việc 

Ông Ty Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố Móng Cái cho biết: Hiện nay thành phố 15/17 xã, phường có thú y cơ sở, trình độ chuyên môn từ trung cấp thú y trở lên. Mạng lưới thú y cơ sở được coi là “cánh tay nối dài”, là mắt xích quan trọng trong hệ thống thú y nói chung, họ là người nắm bắt, phát hiện và báo báo kịp thời tình hình dịch bệnh vật nuôi phát sinh để Thành phố chỉ đạo. Họ phải đi từng nhà để chữa trị cho vật nuôi khi ốm và thực hiện tiêm phòng định kỳ trong năm… trong điều kiện môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Công việc vất vả đặc biệt là vào đợt tiêm phòng và khi có dịch bệnh phát sinh kể cả nắng, mưa họ vẫn phải đi… Trong khi đó, chế độ phụ cấp thấp. Do vậy, chỉ có lòng đam mê, thật sự yêu công việc mới có thể làm được.

Ở một số địa phương ở Móng Cái, do sự linh động, linh hoạt trong tổ chức nhiệm vụ, một số cán bộ thú y cơ sở phân công kiêm nhiệm, còn công tác chính là Hội nông dân, phụ nữ thì mới ổn định đời sống cho cán bộ. Chúng tôi rất chia sẻ với đội ngũ, nhưng chế độ quy định thì chúng ta phải thực hiện. Hy vọng tới đây, sẽ có nhiều sự quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.

Hy vọng của Ông Tuấn cũng là nỗi niềm, kỳ vọng của cán bộ thú y ở Móng Cái và có lẽ cũng là của toàn đội ngũ này ở các địa phương. Móng Cái có 9 xã sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, địa hình trải dài từ vùng cao đến trung tâm tới hải đảo, công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh dại, chó mèo, dịch tả Lợn Châu Phi và dịch bệnh trên tôm nuôi... luôn là những phần việc, là thách thức, thử thách đối với người chăn nuôi và cũng là áp lực đặt trên đôi vai nhỏ bé của đội ngũ những người cán bộ thú y.

Cán bộ thú y chính là những bác sỹ mà hộ chăn nuôi tin tưởng nhất, cảm mến nhất, điểm tựa vững chắc nhất 

Bao năm qua, Móng Cái luôn vững vàng vượt qua mọi dịch bệnh, ngành chăn nuôi luôn trụ vững và trở thành thế mạnh, nhất là chăn nuôi gia súc lớn xuất khẩu và NTTS, đảm bảo an ninh, tự chủ lương thực, thực phẩm, đóng góp quan trọng đưa thành phố về đích nông thôn mới từ rất sớm và GTSX ngành nông, lâm, ngư nghiệp liên tục tăng trưởng ấn tượng, bền vững. Những người Nông dân Móng Cái giờ đã trở thành các hộ khá, giàu. Toàn thành phố không còn hộ nghèo. Trong thành quả đó, khẳng định có những đóng góp thầm lặng của các cán bộ thú y.

Giữa thành phố đông đúc, mức sống cao, nhu cầu chi tiêu lớn, công việc nhiều và trách nhiệm rất nhân văn, cán bộ thú y cơ sở với mức phụ cấp ít ỏi mong có chế độ đãi ngộ hợp lý, ổn định hơn để yên tâm, tận tâm với nghề, phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với công việc, góp phần để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển bền vững. 

Mong ước của họ- bao giờ thành hiện thực? 

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...