Sáu tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh ước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 3 của miền Bắc (sau Hải Phòng và Bắc Ninh) và đứng thứ 4 cả nước. Với tốc độ tăng trưởng tốt này, kết quả thu NSNN của Quảng Ninh cũng rất tích cực.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, thu NSNN trong 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, đạt 52% dự toán tỉnh giao, bằng 101% so với cùng kỳ 2022. Con số ấn tượng này đã đưa Quảng Ninh thành một trong những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm dẫn đầu về thu ngân sách.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện 6 tháng đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, bằng 61% dự toán Trung ương giao, bằng 58% dự toán tỉnh giao, bằng 107% kịch bản tăng trưởng; thu nội địa đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, bằng 51% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao, bằng 101% kịch bản tăng trưởng.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết, tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 19/6, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố đạt 769.976 tấn, tăng 242% so cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm đến ngày 15/6, TP.Móng Cái cũng đã thu hút thêm 302 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, tăng 182 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2022; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 1,47 tỷ USD, đạt 32,46% kế hoạch, tăng 8,24% so với cùng kỳ.
Yếu tố khác đóng góp vào tổng thu xuất nhập khẩu của Quảng Ninh còn là do ngay từ đầu năm, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tăng lượng than nhập khẩu để pha trộn phục vụ nhu cầu sản xuất. Phía Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ. Cục Hải quan tỉnh và sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, về cơ bản các khoản thu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngành than, với số thu là 9.369 tỷ đồng - chiếm trên 33,4% tổng thu NSNN (các khoản thuế 7.789 tỷ đồng; các khoản thuế, phí lệ phí khác 1.581 tỷ đồng), đạt 60% dự toán, bằng 140% cùng kỳ.
Mặt khác, đối với các khoản thu của địa phương thì hết 6 tháng đầu năm, mới chỉ có 5/13 địa phương đạt tốc độ thu bình quân thuế, phí (50%), bao gồm: Móng Cái (63%); Đông Triều (50%); Tiên Yên (55%); Hải Hà (55%); Cô Tô (50%). Trong khi đó, một số địa phương lớn như Hạ Long (35%), Cẩm Phả (35%), Quảng Yên (28%)… lại chưa đạt tốc độ thu.
Tính chung, phần NSNN địa phương thu 6 tháng đạt khoảng 5.648 tỷ đồng, bằng 37% dự toán tỉnh giao, bằng 89% so cùng kỳ. Trong đó thu từ thuế, phí thực hiện 6 tháng đạt 3.059 tỷ đồng, bằng 39% dự toán tỉnh giao, bằng 93% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 6 tháng đạt 2.589 tỷ đồng, bằng 35% dự toán tỉnh giao, bằng 85% so cùng kỳ.
Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Ngành thuế đang đánh giá những tác động của các chính sách miễn giảm thuế để có phương án cân đối, bù đắp; kiểm tra chặt chẽ các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh để kịp thời quản lý thu các khoản thuế đầy đủ vào NSNN. Mục tiêu của Quảng Ninh là phấn đấu thu NSNN 6 tháng cuối năm đạt 26.000 tỷ đồng, góp phần hoàn thành số thu NSNN cả năm 2023 của tỉnh đạt 54.000 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất ổn do tình hình thế giới và khu vực, nhất là chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đã khắc phục những khó khăn và đạt được nhiều kết quả tích cực trong điều hành kinh tế - xã hội, trong đó số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kỷ lục mới với 56.500 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021.