TP Móng Cái: Lan tỏa chuyển đổi số

27/12/2022 09:38
Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Tỉnh ủy có ý nghĩa quan trọng nhằm định hướng những giải pháp trọng tâm trong công tác chuyển đổi số toàn diện. Bằng những giải pháp quyết liệt, phù hợp trong triển khai Nghị quyết, đến nay, TP Móng Cái đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhận được sự tham gia của toàn dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, toàn diện.
TP Móng Cái công bố ứng dụng công dân số thông minh và phản ánh hiện trường “Móng Cái Smart” (tháng 7/2022). Ảnh: Vi Thu (Trung tâm TT-VH Móng Cái)

Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam cho biết: Ngay khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành, TP Móng Cái đã khẩn trương quán triệt nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Tại Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 3/3/2022) của Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái “Về phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến 2030”, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được xác định là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở phải nêu cao tinh thần gương mẫu, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách... Từ đó, nhằm thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia có hiệu quả của người dân.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, toàn thành phố đã thành lập, kiện toàn 101 Tổ công nghệ số cộng đồng, gồm 100 tổ tại thôn, khu phố và 1 tổ công nghệ số tại KCN Hải Yên để phù hợp với đặc thù hoạt động doanh nghiệp. Đội ngũ này được hướng dẫn, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ, đã trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai bài bản, sâu rộng các nhiệm vụ chuyển đổi số ngay từ các khu dân cư, bao gồm: Hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng ứng dụng Móng Cái Smart... Đồng thời, tích cực hỗ trợ lực lượng Công an thành phố tuyên truyền, triển khai những nội dung cơ bản của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Vietcombank Móng Cái hỗ trợ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hải Hòa sử dụng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tháng 10/2022. Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)

Về phát triển chính quyền số, TP Móng Cái cũng áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc số hóa tài liệu, quy trình giải quyết TTHC trên nền tảng ISO điện tử; xây dựng môi trường quản lý, làm việc trên nền tảng công nghệ số đối với 10 cơ quan cấp huyện và 17 UBND cấp xã; thực hiện ký số và giải quyết trên môi trường số đối với 295 TTHC thuộc thẩm quyền của thành phố, 119 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Móng Cái duy trì tốt các nhiệm vụ, như: Chỉ đạo điều hành và tương tác nội bộ; họp thông minh; quản lý văn bản đi, đến, lịch làm việc; tổng hợp ý kiến người dân từ cơ sở; giám sát hoạt động kỷ cương hành chính; camera giám sát tại các nút giao thông, khu vực trọng điểm trên địa bàn...

Hướng đến mục tiêu nền kinh tế số, thành phố đã phối hợp đơn vị tư vấn là VNPT Quảng Ninh triển khai xây dựng 4 trang web sàn thương mại điện tử phục vụ giới thiệu, xúc tiến, hỗ trợ sản phẩm OCOP. Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản. Còn tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mô hình cửa khẩu số thông minh được duy trì thực hiện hiệu quả, với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dịch vụ nộp thuế điện tử được thực hiện 24/7, kết nối trao đổi thông tin trong Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, tăng cường sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong công tác giám sát hàng hóa, phương tiện, hành khách qua cửa khẩu; đảm bảo 100% tờ khai được thông quan trên hệ thống thông quan tập trung VNACC/VCIS... 

Các đoàn thể: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN cũng tích cực hướng dẫn đoàn viên, hội viên bắt nhịp với công nghiệp 4.0 bằng việc sử dụng có hiệu quả mạng xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Phạm Thị Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hải Đông, TP Móng Cái, cho biết: Từ hơn 3 năm qua, xã duy trì Tổ thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện nay, đội hình này phát huy vai trò cả trong việc phối hợp vận động người dân làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử và tài khoản định danh điện tử, tiếp cận các trang điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo) của xã thành lập... Thanh niên có lợi thế tiếp cận công nghệ nhanh, nên công tác tuyên truyền rất hiệu quả.

Những kết quả nổi bật ngay từ bước đầu là những nền tảng vững vàng cho bước phát triển tiếp theo. Trong năm 2023, TP Móng Cái xác định công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của đông đảo người dân, doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

Thanh toán không dùng tiền mặt được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên hành trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và 22,89% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện thanh toán không dùng tiền mặt; 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 97,2%; 77,7% số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 87,44%; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
baoquangninh.com.vn
Loading...