TP Móng Cái tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TT ATGT, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè

29/05/2024 19:22
Mùa hè là thời điểm học sinh dừng hoạt động học tập ở trường, tham gia sinh hoạt hè tại địa phương. Đây là khoảng thời gian gia đình, cộng đồng cần tăng cường các biện pháp quản lý con em để đảm bảo cho các con một mùa hè an toàn, nhất là trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ.

Qua thống kê, tổng số trẻ em trên địa bàn thành phố Móng Cái tính đến thời điểm tháng 5/2024 là 31.324 trẻ, chiếm 30,6% % tổng dân số (số trẻ em nam là 17.228, chiếm 55 %; số trẻ em nữ 14.096, chiếm 45%). Hiện nay thành phố còn 263 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trong đó: 08 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân thích, 187 trẻ em khuyết tật, tàn tật nặng và đặc biệt nặng (đang hưởng trợ cấp theo NĐ 20); 68 trẻ bị khuyết tật nhẹ...; 654 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó: 35 trẻ là con hộ cận nghèo; 223 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ,... 

Những năm qua, thành phố Móng Cái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, kết luận của Trung ương đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè. Qua đó, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em được quan tâm kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Năm 2023 trên địa bàn thành phố xảy ra 02 vụ TNTT, 02 trẻ em bị tử vong tai nạn thương tích (01 cháu trai sinh năm 2012; 01 cháu trai sinh năm 2008). Trong đó tử vong do đuối nước 02 trẻ chiếm 100%. Xảy ra 03 vụ TNGT làm 02 trẻ bị thương, 01 trẻ tử vong; năm 2024: xảy ra 03 vụ, 03 trẻ bị thương.    

Việc trang bị áo phao cứu sinh, hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng 

Trong 5 tháng đầu năm 2024 thành phố chưa để xảy ra các vụ việc liên quan đến tai nạn thương tích trên địa bàn.

Phân tích nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước và tai nạn giao thông cho thấy: nguyên nhân chủ quan là trẻ thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ khi để trẻ em tự do vui chơi tại những nơi, khu vực nguy hiểm (sông, suối, ao, hồ...) là nguyên nhân phổ biến nhất.

Nguyên nhân khách quan do địa hình của thành phố có vùng biển, có nhiều  suối, đập, hồ nên thường trực nguy cơ đuối nước; trẻ nhỏ không ý thức được nguy cơ. Tỷ lệ trẻ em bị đuối nước mặc dù biết bơi, nhưng thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, trong khi đó cơ sở vật chất (bể bơi) phục vụ công tác dạy bơi ở địa phương còn thiếu. Các vụ TNGT xảy ra đối với trẻ em trên địa bàn chủ yếu do trẻ khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện chưa chấp hành nghiêm Luật giao thông với các lỗi như: Không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường làn đường, không làm chủ tốc độ...

Cùng với đó, mặc dù công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đã được lực lượng chức năng tích cực thực hiện, song ý thức của bộ phận người tham gia giao thông chậm chuyển biến, nhất là bộ phận thanh, thiếu niên khi không thấy lực lượng chức năng sẽ điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, tình trạng phương tiện xe ô tô dừng, đỗ không đúng quy định gây cản trở, tiềm ẩm nguy cơ gây TNGT.

Lực lượng CSGT TT kiên quyết xử lý nghiêm học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi điều khiển

Xuất phát từ thực trạng, trên cơ sở nắm chắc số lượng học sinh về nghỉ hè, số trẻ em trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy : phải giảm thiểu số thanh thiếu nhi, học sinh bị TNGT, tai nạn thương tích và đuối nước; giảm số thanh thiếu nhi, học sinh liên quan tới sử dụng ma túy dưới mọi hình thức và giảm số thanh thiếu nhi, học sinh nảy sinh hành vi xấu, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, phải tăng số thanh thiếu nhi, học sinh được trang bị kỹ năng về bơi lội, được học các lớp kỹ năng sống, năng khiếu; tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè để các em có mùa hè thực sự vui tươi, bổ ích và an toàn…, thành phố Móng Cái thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, có giải pháp hiệu quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy, bể bơi, hồ bơi, bãi tắm, các dịch vụ vui chơi dưới nước cho trẻ em; kiểm tra việc cắm biển cảnh báo, rào chắn khu vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước; công khai kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng đối với trẻ em.

Thành phố thường xuyên rà soát, cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn tại các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích đối với trẻ em, học sinh; đồng thời có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh từ xa, từ sớm, nhất là tại gia đình, cộng đồng, trường học, các bãi tắm, bể bơi, sông, hồ, các công trình xây dựng nhà cao tầng, chợ và các địa điểm, công trình công cộng có trẻ em, học sinh tham gia hoạt động (làm rào chắn, biển cảnh báo...). 

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng, quy định về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch, nhất là đối với trẻ em, học sinh và tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về các công tác này và tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người xung quanh khi có tình huống xảy ra. Tập trung tuyên truyền về các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho người bị TNGT, TNTT, đuối nước; tăng cường quản lý ứng dụng công nghệ số trong truyền thông: qua trang mạng xã hội, qua tổ công nghệ số cộng đồng, cảnh báo qua tin nhắn điện thoại,… Kiên quyết không để tồn tại các bãi tắm tự phát tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với nhân dân và du khách, nhất là trẻ em.

Các nhà trường bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương 

Thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, phụ huynh về việc tuân thủ các quy định an toàn, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, đoàn thể; rà soát nội dung, chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi, sơ cấp cứu, ứng phó với các trường hợp tai nạn gây thương tích (như cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ...), tai nạn đuối nước; thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh sử dụng các trang thiết bị an toàn, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích; thực hiện có hiệu quả mô hình "Trường học an toàn", "Nhà trẻ, mẫu giáo an toàn", phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Tập trung triển khai tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè thiết thực, bổ ích, phong phú, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đặc thù của từng vùng miền; chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục phát triền kỹ năng sống, kỹ năng bơi cứu đuối, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ lành mạnh trong dịp hè nhằm rèn luyện kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và tạo sân chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn trong dịp hè.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...