TP Móng Cái tham dự Hội nghị ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)

21/04/2025 15:49
Sáng 21/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản trị và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh. Đến dự hội nghị, có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Thế Duy, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KHCN; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị trực tuyến ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)

Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Móng Cái có đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy; đồng chí Nguyễn Văn Đô, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh đã luôn là điểm sáng, đi đầu trong công cuộc CCHC, phát triển hạ tầng công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu, tỉnh Quảng Ninh cũng đang đứng trước không ít thách thức, như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao về AI; dữ liệu còn phân tán, thiếu liên thông, đồng bộ; nền tảng hạ tầng dùng chung bắt đầu lạc hậu; chưa hình thành kho dữ liệu lớn tập trung và chưa khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu trong các lĩnh vực; công cụ hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành cũng mới dừng lại việc triển khai được hệ thống chuyển nhận văn bản điện tử tập trung, chưa có hệ thống điều hành thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, điều hành, giám sát và ra quyết định.

Từ đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng qua hội nghị này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp nhận được những ý kiến góp quý báu, chia sẻ sâu sắc từ lãnh đạo Bộ KHCN, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp về chiến lược phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và vai trò của dữ liệu, trí tuệ nhân tạo trong quá trình chuyển đổi số để tỉnh Quảng Ninh có thể xây dựng chiến lược dữ liệu hiệu quả, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở rà soát, cập nhật chiến lược dữ liệu quốc gia, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trọng tâm là ưu tiên hoàn thành các cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng, tài chính, bảo hiểm, doanh nghiệp, lao động việc làm…; số hóa quy trình, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng AI trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh và cấp cơ sở; ứng dụng trong lĩnh vực cửa khẩu, du lịch, y tế, giáo dục, tư pháp, đất đai, tài nguyên môi trường, giao thông, nông nghiệp, quản lý đô thị thông minh. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh.

TP Móng Cái tham dự Hội nghị ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ KHCN, các nhà khoa học, chuyên gia đã dành nhiều thời gian trao đổi về AI trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, nguồn lực thiết yếu cho AI, vị thế dẫn đầu về AI của Việt Nam trong ASEAN, làm thế nào AI có thể cải thiện hoạt động của CBCCVC, chiến lược triển khai AI cho tỉnh Quảng Ninh, các bước thực hiện AI thực tế của tỉnh Quảng Ninh…

Bà Laura Nguyễn, Giám đốc Điều hành Gen AI Fund, Giám đốc quốc gia của Ava Labs tại Việt Nam, chia sẻ: Tỉnh Quảng Ninh cần sớm thành lập lực lượng đặc nhiệm AI của tỉnh Quảng Ninh, qua đó tạo một nhóm chuyên trách để giám sát chiến lược và quản trị AI, phát triển cơ sở dữ liệu kiến thức AI, hợp tác với các startup AI để tăng tốc áp dụng AI trong tỉnh. Đồng thời với đó, tổ chức cuộc thi đổi mới AI nội bộ cho CBCCVC; xác định các dự án AI thực tế để triển khai ngay lập tức.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, khẳng định: Thực tế cho thấy AI không thay thế con người, mà chính những người biết sử dụng hiệu quả các công cụ AI sẽ dần thay thế những người không biết tận dụng chúng. Do vậy, yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, không phân biệt vị trí cần ý thức được trách nhiệm tự học, tự nâng cao năng lực số; nếu không làm chủ được dữ liệu, không biết ứng dụng AI vào công việc hằng ngày, thì chính chúng ta đang tụt lùi.

Đồng chí yêu cầu Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai mạnh mẽ chương trình “Bình dân học vụ số” - một chương trình hành động thiết thực để phổ cập hiểu biết về dữ liệu, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cho cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số.

Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp phần mềm, nền tảng và các hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ động kết nối với các cơ quan nhà nước để đề xuất, cung cấp các giải pháp, mô hình ứng dụng AI, dữ liệu số phục vụ CCHC, nâng cao năng suất lao động; phối hợp triển khai các chương trình huấn luyện thực chiến cho cán bộ, công chức, đặc biệt trong việc sử dụng công cụ AI, quản trị dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin; đồng hành cùng chương trình “Bình dân học vụ số”, mở rộng mạng lưới đào tạo, nâng cao nhận thức số trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tham gia phản biện chính sách, góp ý cho các định hướng lớn của tỉnh về phát triển dữ liệu và AI, đổi mới sáng tạo và kinh tế số.

Đồng thời với đó, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao năng lực ứng dụng công cụ dữ liệu, phân tích dữ liệu và ứng dụng AI để hỗ trợ công việc; đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp điều hành; đưa các chỉ số dữ liệu, năng lực AI vào đánh giá thi đua, đánh giá cán bộ. Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì đề xuất các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để triển khai ngay trong năm 2025.

Các đại biểu phát động phong trào "Bình dân học vụ số". Ảnh: Mạnh Trường (Báo Quảng Ninh)

Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy bên lề hội nghị, chia sẻ: Tôi đánh giá rất cao tinh thần chủ động của tỉnh Quảng Ninh trong việc sớm tiếp cận và triển khai ứng dụng AI trong phục vụ quản trị và phát triển bền vững. Thành phần tham dự hội nghị rất đông và nghiêm túc ở điểm cầu trung tâm và các điểm cầu trực tuyến, điều đó cho thấy CBCCVC của tỉnh rất chú trọng đến việc tiếp cận AI và nhu cầu sử dụng AI trong xử lý công việc, nhất là trong bối cảnh cả nước thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KHCN tỉnh, khẳng định: Sau hội nghị này, đơn vị sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời tham mưu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, nhất là trong triển khai mô hình ứng dụng AI, dữ liệu số phục vụ CCHC, phát triển nguồn nhân lực AI; phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu trong CBCCVC để triển khai AI một cách hiệu quả, thiết thực, đạt được hiệu quả cao trong xử lý công việc được giao, phụ trách.

Ông Nguyễn Gia Long, Quyền trưởng Phòng Quản lý hệ thống và phát triển ứng dụng, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, cho biết: Trong một thời gian ngắn được tiếp cận các thông tin về ứng dụng AI do các chuyên gia, nhà khoa học truyền đạt, tôi nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của AI trong công cuộc đổi mới và chuyển đổi số hiện nay. Sau hội nghị, tôi cùng với CBCCVC trong cơ quan sẽ tập trung nghiên cứu, học tập, trau dồi kinh nghiệm và triển khai AI vào thực tiễn công việc được giao, nhất là trong việc đơn giản hóa TTHC, liên thông, tổng thể đến cấp xã, phường, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một hiệu quả.

Cũng tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, trong đó, các sở, ban, ngành phải hành động thiết thực; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trở thành lực lượng nòng cốt trong việc đưa tri thức số đến với nhân dân; mỗi CBCCVC phải là tấm gương tiên phong trong học tập, thực hành và lan tỏa kỹ năng số không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng; mỗi người dân tích cực tham gia học tập, rèn luyện, biến kỹ năng số thành năng lực sống thiết yếu trong kỷ nguyên mới.

 

Vi Thu
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...