KẾ HOẠCH SỐ 151/KH-BTTTT NGÀY 15/01/2016
CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13; Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; Quy chế làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành kèm theo Nghị quyết số 19/2015/HĐBCQG ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng bầu cử quốc gia; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 51-CT-TW ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Kế hoạch và nội dung tổng thể về việc ban hành các văn bản phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (sau đây gọi tắt là cuộc bầu cử) tại văn bản số 29/HĐBCQG-CTĐB ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng bầu cử quốc gia; Để triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử trong cả nước đúng pháp luật, tiến độ và hiệu quả; đồng thời tạo bầu không khí sôi nổi và phấn khởi chào mừng cuộc bầu cử, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cho cuộc bầu cử như sau:
I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tiến hành vào ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với thành công đại hội đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt kết quả cao, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp; tạo không khí tin tưởng, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, thái độ tích cực của cử tri trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHXN Việt Nam - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
II. YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
1. Làm cho nhân dân thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia cuộc bầu cử, làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
2. Làm cho cử tri cả nước nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; các quy định định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;
3. Thực hiện đúng quy định của Pháp luật về vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Phê phán và uốn nắn những biểu hiện lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để làm mất dân chủ, gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ đại đoàn kết dân tộc và chống những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân.
5. Thông tin, tuyên truyền đối ngoại về bầu cử, giới thiệu với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhân dân các nước trên thế giới biết được thể thức và không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình bầu cử; chủ động đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động, thù địch;
III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử; các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử của Đảng, Nhà nước, văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử.
2. Tuyên truyền về Nhà nước và Quốc hội Việt Nam: Phân tích, làm rõ bản chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của Nhà nước ta; quyền dân chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng; tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân; những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước; tuyên truyền về vai trò, vị trí của Quốc hội khoá XIV trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới.
3. Tuyên truyền pháp luật về bầu cử: Giới thiệu nội dung của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND các cấp hiện hành. Đặc biệt tập trung tuyên truyền các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử.
4. Tuyên truyền về sự ủng hộ của nhân dân với đường lối đổi mới của Đảng; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là công tác bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng có nhiều khó khăn, các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng có đông đồng bào theo các tôn giáo.
5. Tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, chương trình hành động của các ứng cử đại biểu Quốc hội.
6. Tuyên truyền về công tác phục vụ bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công.
7. Tuyên truyền về kết quả cuộc bầu cử.
IV. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN
Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử cần được triển khai liên tục với những hình thức sinh động, phong phú, kịp thời, thiết thực nhằm thông tin tuyên truyền hiệu quả về cuộc bầu cử đến với nhân dân cả nước, cụ thể:
1. Các Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí ở địa phương mình thường xuyên, kịp thời hoặc đột xuất khi cần thiết.
- Phát hành bản tin bầu cử: Bản tin bầu cử được phát hành 01 số/tháng (có thể tăng 02 số/tháng vào những tháng cao điểm của tiến trình bầu cử) nhằm cập nhật thông tin về hoạt động bầu cử; các hoạt động động bầu cử nổi bật; công tác triển khai bầu cử tại địa phương...
- Tổ chức triển lãm: Tổ chức triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; và các cuộc triển lãm khác tuỳ đặc điểm tình hình của địa phương.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử dưới hình thức tranh cổ động, khẩu hiệu, panô, áp phích; các Đội thông tin lưu động, các trạm truyền thanh ở các điểm bầu cử để tuyên truyền về các hoạt động của bầu cử.
- Tổ chức thi tìm hiểu về các cuộc bầu cử.
- Tổ chức họp báo ở địa phương trước khi bầu cử và công bố kết quả cuộc bầu cử.
2. Các cơ quan thông tấn báo chí:
Sử dụng tối đa phương tiện của mình để thông tin, tuyên truyền; Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề đăng tải, giới thiệu điểm mới của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; phân tích về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; đăng tải danh sách các ứng viên, tiểu sử những người ứng cử...; sử dụng hình thức phỏng vấn, toạ đàm, phóng sự, đăng tải ý kiến cử tri, ý kiến của người ứng cử.... Thông cáo báo chí về diễn biến và kết quả bầu cử .
- Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng chuyên mục, chương trình, dành thời lượng phù hợp để tổ chức phát sóng tuyên truyền; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc bầu cử trên sóng của Đài mình;
- Các báo điện tử, báo in, tạp chí: Xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục; xuất bản các chuyên đề tuyên truyền; Xuất bản phụ trương, đặc san về cuộc bầu cử.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tiến độ triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền
* Đợt 1 (từ 03/2 đến 15/4/2016):
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, quản lý thông tin, tuyên truyền tại địa phương và tổ chức thực hiện.
- Các cơ quan thông tấn báo chí: Xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền cụ thể về cuộc bầu cử.
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về cuộc bầu cử; Kiểm tra một số địa phương về tình hình triển khai kế hoạch, nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.
* Đợt 2 (từ 16/4 đến 22/5/2016):
- Tiếp tục tuyên truyền về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND; quyền nghĩa vụ của người ứng cử; quyền và nghĩa vụ của cử tri; các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử.
- Tuyên truyền về công tác chuẩn bị bầu cử trên phạm vi cả nước.
- Đôn đốc, kiểm tra công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử.
- 10 ngày trước ngày bầu cử (22/5), tập trung tuyên truyền với tần xuất ở mức cao nhất.
- Tập trung tuyên truyền, cổ động trong ngày bầu cử 22/5/2016; tuyên truyền không khí ngày bầu cử, diễn biến, tiến độ bầu cử ở các địa phương, dư luận trong nước và quốc tế.
- Tổ chức trang trí, cổ động, treo khẩu hiệu, băng rôn, áp phích tuyên truyền về cuộc bầu cử.
* Đợt 3 (từ 23/5 đến 12/6/2016):
- Tập trung thông tin, tuyên truyền về kết quả bầu cử .
- Tổ chức họp báo tại địa phương về kết quả cuộc bầu cử.
- Tổ chức hội nghị tổng kết công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử. Xây dựng báo cáo tổng kết về công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
2.1 Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, trực tiếp chỉ đạo Tổ giúp việc về thông tin tuyên truyền, quản trị trang thông tin điện tử và Trung tâm báo chí bầu cử; Cục Báo chí là cơ quan thường trực Tổ giúp việc.
- Thành lập đoàn công tác kiểm tra một số địa phương, cơ quan báo chí về công tác thông tin, tuyên truyền.
- Tổ chức tập huấn cho phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về cuộc bầu.
- Lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin, Vụ Thông tin cơ sở tham gia Tổ thư ký, Tiểu ban Tuyên truyền của Trung ương.
- Cung cấp tư liệu cho các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.
- Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thông tấn báo chí thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử tại các buổi giao ban báo chí hàng tuần và đột xuất.
- Hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức thực hiện theo Kế hoạch và nội dung thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.
2.2 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương.
2.3 Các cơ quan thông tấn báo chí:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền cụ thể về cuộc bầu cử.
- Tuân thủ yêu cầu và nội dung tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Kế hoạch tài chính cân đối từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Bộ năm 2016. Nếu thiếu, xây dựng dự toán kinh phí báo cáo Tiểu Ban tuyên truyền để hỗ trợ thực hiện.
2. Kinh phí triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử tại các địa phương được lấy từ nguồn ngân sách địa phương.
3. Các cơ quan báo chí được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan mình.
| KT. BỘ TRƯỞNG Thứ trưởng ( Đã ký ) TRƯƠNG MINH TUẤN |