5 cái được trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh

25/06/2015 15:25
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39/2010 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 cho thấy, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến đời sống xã hội, trong đó 5 cái được lớn nhất là được việc, được cơ sở vật chất, được cán bộ, được phong trào, được lòng dân.
Nhiều mô hình sáng tạo

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nghị quyết số 39 cụ thể hóa Nghị quyết 01/2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020. Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tập trung, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết đã tạo được không khí xây dựng nông thôn mới trên khắp vùng nông thôn Quảng Ninh, kết cấu hạ tầng KT - XH nông nghiệp, nông thôn được tập trung đầu tư. Nhờ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn đã trở nên khang trang hơn; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể: từ 11 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 22 triệu đồng/năm (năm 2014). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Người dân phấn khởi, chủ động tham gia thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới với vai trò là chủ thể. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng tăng.

Nguồn: vovworld.vn

Điểm nhấn quan trọng sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 39 về xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh là, đến nay nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình đã được triển khai và có kết quả bước đầu, một số chỉ tiêu của tỉnh đạt cao hơn so với toàn quốc. Cụ thể, 100% xã hoàn thành Quy hoạch xây dựng NTM; 100% xã lập xong đề án cấp xã; 100% huyện lập xong đề án và xây dựng được kế hoạch 5 năm xây dựng NTM; 100% thôn có nhà văn hóa đủ điều kiện hoạt động, 100% xã có bưu điện văn hóa xã, hơn 93,91% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tích cực, đã có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu, chất lượng, giá trị, bước đầu sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia của 4 nhà.Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa hiệu quả đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã trở thành nét riêng biệt, hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều mô hình sáng tạo ở Quảng Ninh được nhiều tỉnh, thành tham quan, học tập kinh nghiệm như: Khu du lịch làng quê tại xã Yên Đức (thị xã Đông Triều); mô hình thôn nông thôn mới; mô hình nông thôn tiên tiến (thị xã Đông Triều); Mô hình HTX kiểu mới (HTX Hoa Phong, thị xã Đông Triều); Phong trào Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 66 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (17 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; có 49 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM), bình quân mỗi xã đạt 14,5 tiêu chí/xã, tăng 9,1 tiêu chí/xã so với năm 2010 (cao hơn mức bình quân chung cả nước là 4,5 tiêu chí/xã), có 4 huyện, thị xã, thành phố (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả, Uông Bí) cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó huyện Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Và hiện nay Quảng Ninh là tỉnh thứ 3 trong cả nước có huyện NTM.

Một điểm nhấn quan trọng nữa là Quảng Ninh đã huy động tốt các nguồn lực trong xã hội để triển khai thực hiện Chương trình, nguồn vốn xã hội hóa cao so với cơ cấu vốn quy định của Trung ương. Tổng kinh phí huy động cho xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 38.460 tỷ đồng, trong đó: ngân sách nhà nước 6.000 tỷ đồng (chiếm 15,9%, thấp hơn so với quy định của Trung ương là 40%), vốn tín dụng: 28.000 tỷ đồng (chiếm 72,66%), vốn huy động từ nhân dân: 4.410 tỷ đồng (chiếm 11,44%).

Xây dựng nông thôn mới bền vững

Nhìn lại sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về xây dựng nông thôn mới, 5 cái được lớn nhất là được việc, được cơ sở vật chất, được cán bộ, được phong trào, được lòng dân. Đạt được kết quả trên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt; thường xuyên tổ chức hội nghị, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với nhân dân và cán bộ cơ sở với chủ đề Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, tạo phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh...

Mục tiêu trong năm 2015, Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành 11 mục tiêu chưa hoàn thành của Nghị quyết, trong đó có thêm ít nhất 21 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới; 10 huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới, trong số đó có 2 địa phương đạt chuẩn nông thôn mới... là không dễ. Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tỉnh đã đề ra một số giải pháp như: duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các mục tiêu của Nghị quyết đã đạt được; tiếp tục thực hiện Đề án 25 để nâng cao chất lượng cán bộ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện chương trình: đẩy mạnh chính sách xã hội hóa thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư kinh phí, quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa; chú trọng thực hiện chương trình OCOP để nâng cao thu nhập chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao. Chỉ đạo mô hình Nông thôn tiên tiến tại thị xã Đông Triều... Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cũng cho rằng: đích đến không phải là đạt được các tiêu chí, chỉ tiêu mà phải làm sao xây dựng NTM bền vững. Mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. Theo đó, phải tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; từng bước đưa sản xuất thành sản xuất hàng hóa; thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân…

10 nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020

- Điều chỉnh lại cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp thực tiễn, theo hướng giảm cơ cấu vốn từ ngân sách và tăng tỷ trọng cho hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 800/2010 và Quyết định số 695/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới để đồng bộ các quy hoạch (quy hoạch định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng).

- Rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng đối với vùng sản xuất tập trung.

- Rà soát, đình hoãn, giãn, cắt giảm các công trình chưa thực sự cấp bách, tập trung đầu tư các công trình chuyển tiếp và thực sự cấp bách theo Chỉ thị 1792/2011 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh.

- Mở rộng phân cấp đầu tư cho các xã theo lộ trình cụ thể phù hợp điều kiện nguồn lực, trình độ cán bộ cấp xã, nhằm tránh sai phạm, thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư.

- Điều chỉnh phân công, quy định trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Cải thiện điều kiện môi trường sống khu vực nông thôn

- Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch, bố trí lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; cung cấp thông tin dự báo thị trường vật tư, giống, nông sản.

- Dự báo nhu cầu phát triển nhân lực gắn với phát triển ngành nghề ở từng xã, thôn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức và lao động nông thôn, bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, ngành nghề và sát với nhu cầu của xã hội.

- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm TT và VH
daibieunhandan.vn
Loading...