Bài 2: Những chính sách “bó” biên mậu Móng Cái

04/12/2014 09:50
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng thí điểm một số chính sách mở, Móng Cái đã nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc "thí điểm" này và trở thành một địa bàn giàu tiềm năng với nhiều hoạt động kinh tế thương mại sôi động và phát triển. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những ảnh hưởng của bối cảnh suy thoái đã khiến tình hình kinh tế Móng Cái có nhiều dấu hiệu suy giảm nhất là đối với các hoạt động thương mại biên giới. Tình hình càng ảm đạm hơn khi bức tranh cán cân thương mại biên giới kể từ năm 2011 tiếp tục có những bất ổn và giảm mạnh so cùng kỳ.

 Cán cân thương mại “xuống dốc”

Mặc dù tình hình suy giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế thương mại biên giới của Móng Cái đã được dự báo trước, thế nhưng mức độ giảm “sâu” và vượt “quá ngưỡng” đã không nằm trong dự kiến.

 Thống kê của Chi cục Hải quan Móng Cái cho thấy, năm 2011 có 115.000 container chở hàng qua cửa khẩu thì đến năm 2013 chỉ còn 40.000 container và đến thời điểm này của năm 2014 mới có khoảng 20.000 container, phần lớn là hàng xuất chính ngạch như mì tôm, bột sắn… không có hàng tạm nhập tái xuất. Còn theo Hiệp hội DN Móng Cái, thì trong năm 2013 trên địa bàn Móng Cái có tới trên 600 DN trong tổng số gần 1.000 DN hoạt động cầm chừng hoặc tiến hành giải thể. Trong khi đó, con số tồn tại với hy vọng có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại biên giới chỉ còn lại khoảng 30 DN, giảm 80% so với trước đây.

Sự biến động thể hiện rõ hơn còn ở sự suy giảm lớn về nguồn thu ngân sách; giảm nguồn thu nội địa trừ tiền thu phí sử dụng bến, bãi, mặt nước đối với hàng hóa TNTX, CK, hàng quá cảnh, hàng qua KNQ. Con số này trong năm 2013 chỉ đạt khoảng 71% dự toán giao và đạt khoảng  86,7% so cùng kỳ. Năm 2014 được coi là sáng sủa hơn với giá trị xuất nhập khẩu qua địa bàn Thành phố đạt khoảng 1.568,427 triệu USD, bằng 144,7% CK. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu cũng chỉ đạt 83,4% cùng kỳ; tạm nhập tái xuất đạt 85,6% cùng kỳ.

Đối với DN, con số đó được cho rằng là cuộc thanh lọc “thay máu” cho hoạt động kinh doanh, kinh tế biên mậu. Song hậu quả để lại là hiệu suất hoạt động của hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và thiết bị bốc xếp do các DN đầu tư như: kho, bãi, bến cảng, xe container hoạt động chỉ đạt 15-20% công suất; số lao động phụ vụ hoạt động này không có việc làm tăng trên 1 vạn lao động...

Ông Đỗ Quang Sáng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh nêu thực tế: Các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào Móng Cái tính ra tới hàng nghìn tỉ đồng đang án binh bất động không phát huy được. Vấn đề ở đây là do cơ chế chính sách thay đổi đã dẫn đến điều này. Trước đây Móng Cái hoạt động thương mại hoạt động rầm rộ với hàng nghìn lao động, nay nhiều người thất nghiệp và không có việc làm.

Nhìn từ Tân Chính sách

Phân tích về những thăng trầm của biên mậu Móng Cái trong bối cảnh kinh tế chung, nhiều chuyên gia kinh tế, học giả cũng như lãnh đạo thành phố Móng Cái và cộng đồng doanh nghiệp đều có chung một nhận định, kinh tế Móng Cái đã bị bó về cơ chế chính sách và lực lượng chịu áp lực nhất đó là Doanh nghiệp vì cùng lúc phải “đối mặt” với chính sách biên mậu thắt chặt từ phía Trung Quốc, vừa phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.

 Đối với phía Trung Quốc, TP Đông Hưng đã được Quốc vụ viện Trung Quốc cho phép xây dựng thí điểm khu khai phát trọng điểm cấp quốc gia. Bên cạnh chính sách ưu đãi nhằm phát triển thương mại dịch vụ theo tập quán quốc tế, chính sách biên mậu của phía Trung Quốc cũng được tăng cường quản lý chặt hơn so trước đây. Phía Đông Hưng triển khai chiến dịch chống buôn lậu quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới; Hoạt động xuất nhập khẩu của chính quyền và doanh nghiệp Trung Quốc điều hành theo hướng linh hoạt nhằm dành lợi thế.

Đối với các chính sách trong nước nhất là một số điểm của Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 07-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, CK, KNQ được nhiều DN cho rằng có ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Điển hình là việc tạm ngừng kinh doanh TNTX, CK, KNQ một số mặt hàng như hàng đông lạnh, phụ tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm; việc quy định các điều kiện kinh doanh TNTX, CK hàng hóa với một số mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, thuốc lá điếu, xì gà…Trong khi tại Móng Cái, hàng hóa kinh doanh TNTX, hàng ngoại quan và chuyển khẩu lại chủ yếu gồm dầu diesel, hàng đông lạnh, phân bón, Fero silic, chì, Mangan; rượu các loại, thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất; sợi thuốc lá, ô tô…Thêm vào đó, còn là những quy định chặt chẽ của Thông tư 05/2013/TT-BCT của Bộ Công thương về số tiền kỹ quỹ đối với thương nhân kinh doanh TNTX hàng đông lạnh và những quy định về hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt. Tổng thể thương nhân phải kỹ quỹ tới 15 tỷ đồng mới đủ điều kiện tham gia hoạt động. Ngoài ra, nhiều văn bản liên quan khác cũng đã “bó” doanh nghiệp như: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/TT/2013/TT-BTC có hiệu lực từ 20-6-2013, theo đó quy định thời hạn hàng hoá gửi kho ngoại quan không quá 45 ngày. Tại điểm b, Khoản 1 Điều 42 của Luật sửa đổi Luật quản lý thuế có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013 quy định hàng hóa kinh doanh TNTX phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục Hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa…

Sau nhiều ý kiến và chủ trương tháo gỡ khó khăn cho DN của các Bộ ngành và các tỉnh biên giới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngày 27-1-2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 05/2014/ TT-BCT cho phép kinh doanh các mặt hàng này hoạt động trở lại. Sự kỳ vọng vào chính sách mới sẽ cởi bỏ hoàn toàn nút thắt cho DN tạo điều kiện cho kinh tế biên mậu khu vực biên giới phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các bến bãi và các điểm xuất hàng trên địa bàn TP Móng Cái vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Dấu hiệu này được cho là chưa phù hợp khi chính sách mở rộng diện mặt hàng kinh doanh TNTX nhưng lại gắn với ràng buộc về số tiền đặt cọc ký quỹ của thương nhân. Bộ Công Thương đã nâng tiền ký quỹ, đặt cọc đối với thương nhân kinh doanh TNTX hàng thực phẩm đông lạnh từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, thêm vào đó là các điều kiện về kho bãi. Đối với hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hàng hóa đã qua sử dụng, DN kinh doanh TNTX phải được thành lập tối thiểu là 2 năm, đã có hoạt động XNK hoặc TNTX hàng hóa và nâng tiền ký quỹ, đặt cọc từ 5 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng.

Với các quy định như trên, Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa TNTX, CK, KNQ qua các cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu (9 địa điểm dọc sông Ka Long và khu vực lục lầm) trên địa bàn thành phố không có điều kiện tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phải giải thể, ảnh hưởng xấu đến vấn đề việc làm, mưu sinh của người lao động, an ninh - trật tự an toàn xã hội, nhất là địa bàn khu vực cửa khẩu biên giới, cũng như nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Luật sư Vũ Hữu Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần XNK Đồng Tâm (Móng Cái) nhấn mạnh, khó khăn của DN hoạt động XNK tại Móng Cái được bắt nguồn từ sự thiếu linh hoạt của các cơ chế chính sách Nhà nước và đã làm đảo lộn quy luật cung cầu của hàng hóa tại khu vực biên mậu. Việc ban hành và bổ xung chính sách mới khiến Doanh nghiệp không “theo kịp”.

Đồng chí Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cũng cho rằng, các bộ ngành chức năng cần đánh giá đúng tính hiệu quả của những chủ trương, chính sách. “Chúng tôi kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương đánh giá lại cái hiệu quả để làm sao giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động chuyển khẩu, chuyển tải, tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu biên giới, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời thúc đẩy kinh tế xã hội”, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị.

Có thể thấy, hướng đi của Móng Cái được quyết định bằng vai trò của hoạt động thương mại biên giới. Đây được coi là một động lực chính để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra những chuyển biến về đời sống xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sẽ rất khó cho hoạt động biên mậu tại khu vực này tấp nập, sầm uất như nó vốn có trong “một sớm một chiều”.

Đài TTTH Móng Cái

Trung tâm TT và VH
Loading...