Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc

26/11/2018 15:36
Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, Đền Xã Tắc là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút sự chú ý của du khách khi đến với vùng biên Móng Cái.

Đền Xã Tắc, TP Móng Cái thờ Thần chủ là thần Xã (thần Đất) và thần Tắc (thần ngũ cốc). Theo nội dung bia đá cổ còn lưu giữ tại Đền, năm Kỷ Mão (1879), nhân dân trong vùng đã quyên góp tiền của trùng tu lại Đền, thường xuyên lui tới chiêm bái như một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng, trở thành nơi khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu biên cương. Năm 2005, Đền được UBND Tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ năm 2009, đền đã được TP Móng Cái và Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh huy động nguồn lực xây dựng khang trang, đủ các hạng mục theo kiến trúc đền thờ thuần Việt.

Ngôi đền hàng năm đón hàng vạn nhân dân và du khách tới tham quan, chiêm bái 

Tương truyền, xưa kia, Đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ XX, trong một lần bão lớn, Đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy nguồn với quy mô nhỏ hơn trước. Đền Xã Tắc ngày nay được xây dựng theo hướng Nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2. Ngôi đền chính có diện tích 308 m2, được xây dựng theo kiểu chữ “công” chủ yếu bằng gỗ lim, tường xây gạch, mái lợp ngói vẩy với hai tầng tám mái cùng nhiều họa tiết hoa văn chạm trổ tinh xảo với các chủ đề tùng, cúc, trúc, mai… Ngoài công trình đền chính, tại đền Xã Tắc còn có nhiều hạng mục phụ trợ như nhà tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống, nhà từ đền, nghi môn nội, nghi môn ngoại, …

Nhân dân địa phương tham gia các nghi thức trong lễ tế đàn Xã Tắc 

Tương truyền, tại nơi này từng là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh linh thiêng của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận. Ngày nay, đây không chỉ tiếp tục là điểm sinh hoạt tín ngưỡng mà còn trở thành một điểm đến tâm linh đối với hàng ngàn nhân dân và du khách thập phương khi đặt chân tới vùng đất biên cương địa đầu Tổ Quốc. Đặc biệt, các nghi lễ truyền thống tại đền đều được người dân bản địa mong muốn phục dựng để góp phần lưu truyền, giáo dục cháu con và các thế hệ mai sau. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2018, TP Móng Cái đã phục dựng lễ tế và đàn Xã Tắc nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ tế đàn Xã Tắc và di tích lịch sử văn hóa đền Xã Tắc, thu hút hàng ngàn nhân dân tham gia, trở thành một hoạt động lễ hội lớn dịp đầu xuân. Và gần đây nhất, ngày 24/11/2018, TP Móng Cái đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc, TP Móng Cái” với sự tham dự của các chuyên gia, học giả, nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Viện khảo cổ học; Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và cán bộ lão thành, các cụ cao niên hiểu biết rõ về lịch sử ngôi đền linh thiêng. Đây được coi là động thái quý báu của chính quyền địa phương trong nỗ lực tiếp tục khẳng định, tôn vinh các giá trị của di tích lịch sử văn hóa đền Xã Tắc, tiếp tục tập hợp tài liệu để làm căn cứ triển khai công tác lập hồ sơ xếp hạng cấp Quốc gia di tích đền Xã Tắc, tổ chức lễ hội đền Xã Tắc năm 2019 và những năm tiếp theo, góp phần làm phong phú thêm nội dung “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc”, đồng thời thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm du lịch địa phương.

Móng Cái tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc, TP Móng Cái”

Mỗi năm, ngôi đền thiêng nơi địa đầu Tổ Quốc đã đón hàng chục ngàn lượt du khách và nhân dân tới tham quan, vãn cảnh. Uy nghi giữa đất trời Đông Bắc lồng lộng, cạnh kề ngã ba sông biên giới "nơi một tiếng gà gáy cả hai nước đều nghe", đền Xã Tắc linh thiêng đã vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một vùng đất để trở thành nơi thờ thần của non sông gấm vóc Việt Nam.

Ngày nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc đã đáp ứng kịp thời lòng mong mỏi của nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...