Trong những năm qua, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT – XH, đảm bảo ANQP, Thành phố luôn quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, chú trọng công tác đầu tư, bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị các di sản, các thiết chế văn hóa.
Trên địa bàn thành phố ngày càng có nhiều di sản văn hóa được tôn vinh giá trị ở tầm Quốc gia và cấp Tỉnh. Đến nay đã có 04 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, kiểm kê; trong đó, có 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc biệt; có 04 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp Tỉnh và 42 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh; toàn thành phố có 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Để bảo tồn, phát huy, khai thác những giá trị đặc biệt này, hàng năm, Móng Cái đã duy trì và tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa tâm linh, xây dựng những điểm đến thăm quan du lịch đối với du khách thập phương. Đồng thời, các hoạt động văn hóa đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân, là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa,sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững”.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng bá về các di tích, lễ hội, di tích, mùa Lễ hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, lấy nhân dân là chủ thể trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương, gắn với hoạt động giáo dục truyền thống. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong vận động, huy động các nguồn lực để tiếp tục triển khai và hoàn thiện các hạng mục công trình cần thiết, có kế hoạch nâng cấp, chỉnh trang cơ sở vật chất các di tích ngày một phù hợp hơn.
Đồng thời, tích cực phối hợp, kết nối giữa các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố để phát huy di sản văn hoá gắn với điểm đến du lịch “an toàn – thân thiện – hấp dẫn” để thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến với địa phương.
Trong hoạt động du lịch Móng Cái, trong tháng 10 vừa qua, thành phố đã duy trì hoạt động hiệu quả đường dây nóng du lịch, các fanpage quảng bá du lịch; tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội và kết nối, cung cấp thông tin kịp thời cho các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh đưa tin, giới thiệu, quảng bá hoạt động du lịch của thành phố; Phối hợp với Sở Du lịch tổ chức thành công chương trình tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và công tác thống kê trong hoạt động du lịch với trên 200 đại biểu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mới năm 2024 (Mở rộng phố đi bộ phường Trần Phú; Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tham quan di tích văn hóa lịch sử, tâm linh gắn với trải nghiệm ẩm thực Việt-Trung và ngắm pháo hoa bên sông biên giới; Du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao, xã Hải Sơn; Du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm các hoạt động thể thao, trải nghiệm đón bình minh và hoàng hôn trên đảo Vĩnh Thực). Nhờ đó, tổng khách du lịch đến Móng Cái tháng 10/2024 ước đạt 180.000 lượt người, tăng 20% CK. Lũy kế ước đạt 3,1 triệu lượt người, tăng 40% CK; nộp NSNN về dịch vụ du lịch trên 180 tỷ đồng, tăng trên 90% CK.
3 tháng cuối năm, thành phố quyết tâm đón trên 997 nghìn lượt khách (trong đó có 525 nghìn lượt khách quốc tế, 472 nghìn lượt khách nội địa); phấn đấu cả năm 2024 lượng khách du lịch đến Móng Cái đạt 4 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,4 triệu lượt, khách nội địa đạt hơn 2,5 triệu lượt), nộp ngân sách nhà nước về lĩnh vực dịch vụ du lịch đạt trên 250 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường liên quan xây dựng kế hoạch, kịch bản và giải pháp cụ thể; tăng cường truyền thông, quảng bá, xúc tiến và kích cầu thu hút du lịch; duy trì và làm mới các sản phẩm đã có; phát triển các sản phẩm du lịch mới; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tạo môi trường du lịch thông thoáng, văn minh, an toàn, lành mạnh. Trong đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những giải pháp tốt để góp phần thu hút khách du lịch đến với Móng Cái.