Ngày 8/5/1961, Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Sự kiện Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và nhân dân Trà Cổ là động lực lớn lao, động viên cán bộ và nhân dân nơi đây luôn đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chuyến thăm của Bác tới Trà Cổ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đối với Trà Cổ nói riêng và Móng Cái nói chung không chỉ trên cương vị của một vị Chủ tịch nước đối với nhân dân, mà đó còn là sự quan tâm sâu sắc, tình cảm nồng ấm, đôn hậu của một người ông, người cha đối với con cháu ruột thịt của mình. Những cử chỉ, hành động và những lời dạy bảo ân cần của Bác trong lần về thăm Trà Cổ, Móng Cái đã thể hiện đạo đức cao đẹp, tác phong nhanh nhẹn, tình cảm nồng ấm của Người trong cuộc sống đời thường, trong lãnh đạo đất nước. Đồng thời để lại những tình cảm không thể nào quên đối với cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Ninh. Những lời căn dặn của Người là bài học sâu sắc về lòng nhân ái, tình yêu thương con người vô bờ bến, bài học về đạo đức, nhân cách làm người; về đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng, giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của con người.
Ngày 19/5/2004, nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh của Bác, nhà bia lưu niệm Bác Hồ về thăm nhân dân và cán bộ Trà Cổ, Móng Cái được khởi công xây dựng trên một khu đất có diện tích 200m2, nhìn ra hướng Đông Nam, dưới chân là biển Trà Cổ. Chính giữa nhà bia dựng một văn bia làm bằng đá nguyên khối cao 2,1m; rộng 1,2m; bề dày 0,2m. Mặt trước văn bia có ghi: "Nơi đây ngày 8-5-1961, Bác Hồ kính yêu đã về thăm nhân dân và cán bộ Trà Cổ, Móng Cái". Mặt sau văn bia ghi: Tham gia xây dựng nhà bia Thị ủy, UBND thị xã Móng Cái, sở văn hóa thông tin tỉnh Quảng Ninh; ngày khởi công: 19/5/2004; Ngày khánh thành: 02/9/2004.
Ngày 16/01/2017, Di tích đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số 188/QĐ-UBND xếp hạng là di tích lịch sử cấp Tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa, là căn cứ để bảo tồn những giá trị vốn có của di tích, đồng thời thể hiện trách nhiệm của cán bộ, nhân dân các dân tộc Trà Cổ, TP Móng Cái trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích.
Đồng chí Trần Trường Doanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ cho biết: Di tích Nhà bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm Trà Cổ năm 1961 cùng với Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ đều là địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa của phường Trà Cổ, là nơi giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ về tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Trà Cổ, Móng Cái nói riêng, nhân dân Quảng Ninh nói chung. Di tích còn là một địa chỉ văn hóa, nơi giáo dục ý thức quan tâm, thương yêu và có trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường và con người qua tấm gương của Bác. Đây cũng là nơi thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của cán bộ, nhân dân phường Trà Cổ đối với Bác Hồ kính yêu. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân phường Trà Cổ đã một lòng đoàn kết, nhất trí ra sức thi đua, cùng nhau phấn đấu xây dựng Trà Cổ ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng nơi biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần xây dựng hình mẫu, hệ giá trị con người Móng Cái: “Năng động, Sáng tạo, Hào sảng, Lành mạnh, Văn minh, Thân thiện”, xây dựng hệ giá trị Quảng Ninh: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Đồng chí cho biết thêm: Thời gian qua, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà bia lưu niệm Bác Hồ về thăm Trà Cổ, địa phương đã triển khai nhiều nội dung thiết thực cụ thể như: duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan nhà bia của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, đặc biệt, nhân sự kiện chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Đảng ủy, chính quyền đã vận động xã hội hóa chỉnh trang toàn bộ khuôn viên di tích với các hạng mục như: Quét sơn mới toàn bộ di tích, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng, trồng cây, hoa nâng cấp cảnh quan khuôn viên, dựng phiến đá khắc hệ giá trị Quảng Ninh. Toàn bộ kinh phí có giá trị trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, chỉ đạo bộ phận liên quan thực hiện tốt công tác sưu tầm, tiếp nhận hiện vật, tư liệu về di tích, tuyên truyền nhân dân, đoàn viên, hội viên, học sinh, thanh thiếu niên gìn giữ cảnh quan đảm bảo sáng, xanh, sạch đẹp, đảm bảo sự tôn nghiêm của di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, du khách đến tham quan, tổ chức các hoạt động học tập, nghiên cứu phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền về lịch sử di tích, lịch sử của thành phố cho các thế hệ, cho du khách khi đến với di tích, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch; gắn nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hằng năm, tại nơi đây, vào những ngày tháng Năm lịch sử, hay những ngày lễ trọng đại của đất nước, nhân dân và cán bộ Trà Cổ đều thành kính dâng lên Bác Hồ bó hoa tươi thắm để ghi nhớ công ơn và báo công với Bác. Nơi đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra lễ kết nạp đoàn viên mới, lễ công nhận đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh, các tiết học “Về nguồn” của các Liên đội trên toàn địa bàn thành phố. Cùng với hoạt động của Câu lạc bộ thuyết minh viên tuyến điểm du lịch phường do Đoàn thanh niên chủ trì, những năm gần đây, di tích đã trở thành điểm dừng chân của hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài Tỉnh. Mỗi lần tới thăm di tích, trong lòng nhân dân, cán bộ và các bạn đoàn viên, thanh thiếu niên lại trào lên niềm xúc động khó tả, nguyện noi theo tấm gương của vị cha già kính yêu của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh./.