Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ bùng phát thành dịch, do trực khuẩn Corynebacteirum diphtheria (Klebs-Leoffler) gây ra. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trung bình tù 5 - 10% trên tổng số ca bệnh do đó cực kỳ nguy hiểm. Bất cứ đối tượng nào mà chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bạch hầu khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng yếu.
Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp khi nói chuyện, tiếp xúc với dịch tiết, tổn thương da hoặc gián tiếp qua đồ dùng cá nhân, bề mặt, thức ăn, đồ uống mang vi khuẩn gây bệnh. Người đang bị bệnh, người lành mang bệnh hoặc người vừa khỏi bệnh đều có thể trở thành nguồn lây, thậm chí người vừa khỏi bệnh còn mang vi khuẩn từ 2 tuần đến vài năm. Chính vì những lý do trên mà bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch nếu chúng ta chủ quan và không có các biện pháp ngăn ngừa bệnh kịp thời (Trích lời của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: "Cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như đã cố gắng phòng chống dịch Covid-19").
Người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày cũng có khi từ 1-10 ngày. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây hủy hoại niêm mạc tạo ra lớp giả mạc màu trắng bám vào trong họng, khẩu cái mềm, amidan, lưỡi. Nếu không được điều trị sớm lớp màng trắng sẽ bám và lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho lâu ngày sẽ làm tắc đường thở. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn bạch hầu không chỉ gây ra viêm họng, nóng, sốt mà ngoại độc tố của vi khuẩn còn hấp thụ vào máu và phân tán khắp cơ thể gây ra các tổn thương tại hệ thần kinh trung ương, tim, thận, suy hô hấp… dẫn tới tử vong.
Bệnh có thể phát triển ở bất cứ vị trí niêm mạc nào trên cơ thể. Căn cứ theo vị trí có thể phân thành nhiều loại: Bạch hầu hô hấp: mũi, họng, thanh quản/khí phế quản; Bạch hầu da; Bạch hầu mắt; Bạch hầu sinh dục; Biến chứng toàn thân: Tim mạch và thần kinh.
Để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu cần thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh bạch hầu
1. Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu.
- Từ năm 1985, Việt Nam chính thức đưa vắc-xin bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Hiện nay, không có vắc-xin phòng bạch hầu đơn giá, vắc-xin Bạch hầu được cung cấp dưới dạng vắc-xin phối hợp (6 trong 1 và 3 trong 1) nhằm giúp ngăn ngừa thêm các bệnh lý khác trong cùng 1 mũi tiêm, giúp giảm số mũi tiêm, giảm đau cho trẻ. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao, miễn dịch bảo vệ sau tiêm thường kéo dài khoảng 10 năm nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và không mang lại miễn dịch suốt đời, vì vậy việc tiêm nhắc cho trẻ lớn và người lớn là vô cùng cần thiết.
2. Đảm bảo nhà ở, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng vì dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn bạch hầu chỉ sống được vài giờ còn trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.
4. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi;
5. Giữ vệ sinh thân thể mũi, họng hàng ngày;
6. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngời mắc bệnh;
7. Nếu có dấu hiệu nghi bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tiêm vaccine bạch hầu: trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vaccine đa giá: bạch hầu-ho gà-uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi. Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi. Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.
Hãy thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu đồng thời thực hiện tiêm vaccine bạch hầu nhằm tạo miễn dịch cộng đồng giúp phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng rãi vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội./.