Bội thu sau “cửa ải”

16/06/2015 09:34
Dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra từ đầu tháng 5/2015 đã gây tổn thất nặng nề cho trên 600 hộ nuôi tôm tại Móng Cái với 408,58 ha tôm nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh trên tôm đang hoành hành, nhiều hộ nuôi nhờ có những biện pháp chăm sóc tốt đã vượt qua được “cửa ải” và cho năng suất cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tân, thôn Cầu Voi, xã Vạn Ninh "bội thu" từ tôm nhờ có những biện pháp tốt trong chăm nuôi, phòng dịch

Nhiều hộ nuôi tôm bội thu sau “cửa ải”

Trở lại vùng nuôi tôm ở phường Bình Ngọc và xã Vạn Ninh vào thời gian này, chúng tôi vẫn nhận thấy không khí ảm đạm, lo lắng của nhiều hộ nuôi tôm bị chết do dịch bệnh bùng phát từ giữa tháng 5/2015. Tuy nhiên, trong các vùng nuôi tôm dịch bệnh vẫn có những hộ nuôi phấn khởi vì được mùa. Có mặt tại hộ nuôi tôm của gia đình anh Vũ Văn Dương, khu 4, phường Bình Ngọc khi gia đình anh đang hối hả đổ ra đầm thu hoạch tôm để kịp bán cho thương lái, anh Dương dù đang bận tíu tít chuyển tôm cho thương lái vẫn vui vẻ cho biết: Vụ tôm năm nay gia đình anh nuôi 2 ô với diện tích 4.200m2, sau hơn 2 tháng chăm sóc gia đình anh vừa thu hoạch được trên 11 tấn. Với giá bán 137.000 đồng/kg, vụ tôm này đã cho thu nhập khoảng 1,4 tỷ đồng, trừ chí phí, sơ sơ cũng lãi được hơn 700 triệu đồng.

Cách đấy không xa là đầm tôm của gia đình ông Vũ Thế Quả, khu 4, phường Bình Ngọc. Hiện các ô nuôi tôm của gia đình ông đã thu hoạch xong được vài ngày và đang tiến hành rửa đầm, phơi hồ. Được biết, năm nay gia đình ông nuôi gần 1 ha với 4 ô, mỗi ô thả hơn 20 vạn tôm giống, sau 73 ngày đạt năng suất 48 con/ 1kg với gần 22 tấn tôm. Với giá bán 139.000 đồng/kg, doanh thu đạt được gần 3 tỷ đồng. Ông Quả phấn khởi cho biết, gia đình ông đã nuôi tôm 3 năm nay nhưng chưa vụ nào thu hoạch lớn như vụ này. Sau hơn 2 tháng nuôi, hôm nay ông mới thực sự thở phào nhẹ nhõm như vừa trút đi một gánh nặng trên lưng, khi Móng Cái xuất hiện dịch bệnh trên tôm, không đêm nào ông ngủ ngon, mỗi khi tôm bỏ ăn là cả nhà cũng bỏ bữa theo tôm. Tôm bơi lội khỏe, "thở" mạnh mới biết được con tôm đang yên hàn vô sự, còn không là nguy cơ dịch bệnh ập đến và trắng tay lúc nào không hay, nhất là vào tháng nuôi cuối cùng, một ngày phải đầu tư thức ăn hàng triệu đồng vào một hồ nuôi tôm. Nỗi lo qua, thay vào đó là niềm vui, niềm phần khởi trước sự ăn chắc sau một mùa nuôi tôm nhiều gian khổ.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vùng nuôi tôm tại thôn Cầu Voi, xã Vạn Ninh, ông Hoàng Văn Viễn, Trưởng thôn Cầu Voi cho biết: Vụ tôm năm nay, toàn thôn có 41 hộ nuôi tôm nhưng đến nay chỉ còn một số hộ là tôm vẫn phát triển bình thường, còn lại đều đã bị thiệt hại do dịch bệnh. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tân, thôn Cầu Voi, xã Vạn Ninh là một trong những hộ nuôi lớn nhất tại xã Vạn Ninh, vụ tôm năm nay gia đình ông nuôi 15 ô với diện tích trên 5ha, đến thời điểm hiện tại nhiều ao đạt cỡ từ 70-130 con/kg. Ông Tân cho biết: Hiện gia đình ông đã thu hoạch được 4 ô, bình quân đạt 3 tấn/ ô. Trừ chi phí, mỗi ô lãi khoảng 4 trăm triệu đồng, còn lại 11 ô gia đình ông đang tiếp tục cho thu hoạch.

Nhiều diện tích nuôi tôm của xã Vạn Ninh và phường Bình Ngọc thu tôm đạt sản lượng cao

Nhờ áp dụng đúng quy trình

Vụ tôm năm nay mặc dù dịch bệnh đang hoành hành dẫn đến tôm chết hàng loạt, hàng trăm hộ nuôi đã mất trắng vì con tôm. Nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh trên tôm chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng từ môi trường. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn bội thu sau “cửa ải” là do thực hiện đúng và đủ quy trình nuôi trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như: tuân thủ đúng và đủ các bước từ khâu cải tạo, chuẩn bị ao... Bên cạnh đó, lấy con giống có nguồn gốc rõ ràng từ các công ty sản xuất giống có uy tín và đảm bảo chất lượng được kiểm dịch theo quy chuẩn và sạch bệnh, sử dụng sản phẩm đúng theo hướng dẫn và đặc biệt không được sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi, cần tăng cường hệ thống cung cấp ôxy, nâng cao mức nước ao, bổ sung dinh dưỡng giúp tôm tăng sức đề kháng, giảm stress…

Từ thực tế của 2 địa phương trên nhiều hộ nuôi tôm ở phường Bình Ngọc và xã Vạn Ninh đều khẳng định, dù thời tiết có bất lợi thế nào thì người nuôi tôm cũng không bị thiệt hại lớn khi lựa chọn hình thức nuôi khoa học, đảm bảo quy trình và có sự kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh môi trường cũng như chất lượng con giống. Đây cũng chính là khuyến cáo của ngành chức năng trước tình hình dịch bệnh đang xảy ra đối với tôm như hiện nay trên địa bàn TP Móng Cái./.

Vi Thu
Đài TT - TH
Loading...