Hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố 24/9/2008-24/9/2018:

Cam kết để cùng phát triển

20/03/2018 08:57
Thành phố Móng Cái nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí địa lý lợi thế, có vai trò chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Diện tích tự nhiên 518,278 km2, có 78,444 km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và có 17 đơn vị hành chính (8 phường, 9 xã), 6 dân tộc; dân số trên 9,2 vạn người. Thành phố Móng Cái có 01 cửa khẩu Quốc tế, có hệ thống giao thông thuỷ bộ thuận tiện và các điểm kiển tra hàng hoá xuất khẩu đáp ứng tốt nhu cầu giao lưu trao đổi hàng hoá ở khu vực biên giới và giao thương với thị trường rộng lớn của khu vực Tây Nam Trung Quốc. Móng Cái là nơi có cửa khẩu quốc tế cả trên bộ lẫn trên biển, là điểm giao thoa, hội tụ giữa hai hành lang, một vành đai phát triển kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ; là một trong những cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc và nhiều nước khác.

 

Chợ Trung tâm Móng Cái - một đầu mối giao thương vùng biên

Trải qua nhiều thập kỷ đổi mới, Thành Phố Móng Cái đã tham gia tích cực vào tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trước năm 1989, huyện Hải Ninh (nay là thành phố Móng Cái) là một huyện biên giới thuần nông, nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển; nông nghiệp chiếm trên 90% trong cơ cấu kinh tế. Tháng 2/1989, Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị mở cửa biên giới, bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc với đường lối mở cửa, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ hợp tác đối ngoại. Năm 1996, Chính phủ ban hành Quyết định 675/TTg ngày 18/9/1996 cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách đối với khu vực cửa khẩu Móng Cái, Quyết định 103/1998/QĐ-TTg ngày 04/6/1998 bổ sung Quyết định 675/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Năm 2001 được cụ thể hoá và áp dụng trong cả nước các cơ chế chính sách cho khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg. Móng Cái trở thành một trong hai trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Nhà máy sản xuất sợi Texhong có số vốn đầu tư 300 triệu USD. Đây là số vốn đầu tư lớn nhất của một nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của Quảng Ninh

Từ một huyện biên giới nghèo, từ một nền kinh tế kém phát triển và có xu hướng “đóng cửa”, sau nhiều thập kỷ  đổi mới, đến nay Móng Cái đã trở thành Thành phố có hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật phát triển toàn diện. Trong 5 năm gần đây (2010-2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân là 16,4%/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh và cả nước. Đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách 5 năm đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với giai đoạn 2006-2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 3000 USD người gấp 1,82 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng khu vực dịch vụ chiếm 50,6% tỷ trọng kinh tế. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái trong 5 năm đạt trên 23 tỷ USD, tăng 1,8% so với nhiệm kỳ trước.

Hoạt động XNK qua cửa khẩu Móng Cái đạt trên 23 tỷ USD trong 5 năm (2010-2015)

Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, bằng việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược Móng Cái tiếp tục phát triển đúng hướng, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới: Tổng thu NSNN đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tổng khách du lịch đến Móng Cái đạt trên 2,5 triệu lượt người, tăng 30% so với cùng kỳ. Giá trị sản lượng công nghiệp đạt trên 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Hiện tại, Móng Cái đang tích cực ưu tiên đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án động lực của tỉnh và thành phố: Dự án cầu Bắc Luân 2 và đường dẫn; Cầu phao tạm, mở rộng Cảng ICD Km3+4, phường Hải Yên; mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; lối mở, cặp chợ Pò Hèn (Việt Nam) – Thán Sản (Trung Quốc); tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Mô hình phát triển các phân khu chức năng của thành phố Móng Cái

Định hướng trong giai đoạn tới, Móng Cái được xác định là thành phố Trung tâm dịch vụ thương mại, là cửa ngõ hội nhập kinh tế, thương mại, du lịch và văn hóa của Việt Nam và Cộng đồng ASEAN với Trung Quốc, gắn với hình thành các mô hình phát triển kinh tế, thương mại năng động, phù hợp với điều kiện và xu thế hội nhập quốc tế, trở thành đô thị loại 2 trước năm 2020. Do đó, theo Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Vũ Văn Kinh, để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, thành phố sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền; đổi mới phương thức hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tập trung phát triển kinh tế gắn với 03 đột phá chiến lược; giữ vững độc lập, chủ quyền, biên giới biển đảo, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị để phát triển. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, chính quyền thành phố Móng Cái cam kết mạnh mẽ trong việc thực thi chính sách pháp luật một cách minh bạch trên tinh thần phục vụ vì lợi ích Quốc gia, lợi ích của các doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của thành phố Móng Cái.

Bá Khang
Trung tâm TT&VH
Loading...