Cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đò, thuyền trên sông biên giới mỗi khi bão về, triều cường dâng

04/08/2016 10:39
Trên sông biên giới Móng Cái hiện có hàng trăm phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện, tài sản và tính mạng của những người lao động đang là vấn đề cần quan tâm và nếu không được giải quyết, hiểm họa thật khó lường...

 

Theo thông tin từ Ban quản lý Bến và phương tiện trên sông biên giới Móng Cái, hiện có 738 phương tiện tàu, đò tham gia vận chuyển hàng hóa trên sông biên giới, trong đó phân bổ tại khu vực sông biên giới Bắc Luân, Ka Long, cảng Lục Lầm, Cảng Thành Đạt.

Mùa mưa bão 2016, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trên khu vực này thì tại đây vẫn còn những bất cập nếu không giải quyết triệt để, khó có thể lường trước được những hiểm họa.

Có 738 phương tiện vận tải trên tuyến sông biên giới Móng Cái

Ông Đỗ Văn Hùng-  Trưởng ban quản lý Bến và phương tiện trên sông biên giới Móng Cái cho biết: Trong công tác quản lý và phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, tuyến sông biên giới Móng Cái còn tồn tại 3 vấn đề lớn. Đó là: tình trạng mua bán, sang nhượng tàu đò liên tục từ chủ này qua chủ khác, dẫn đến biến động về danh sách quản lý, danh sách người lái đò khiến cho công tác quản lý và liên lạc gặp nhiều khó khăn; ý thức bảo vệ, cảnh giác của một bộ phận lái và chủ đò trong việc bảo quản phương tiện trong mùa mưa lũ chưa cao, nhiều người “bỏ mặc” phương tiện khi mưa lũ dẫn đến đứt dây neo, trôi dạt trên sông gây nguy hiểm cho các phương tiện khác và hệ thống cầu, cảng; trong khi đó thành phố chưa bố trí đủ nơi neo đậu an toàn, chưa có hệ thống cọc neo đậu đảm bảo nơi trú ẩn có khi tình hướng bất ngờ của thời tiết...

Cứ mỗi khi bão gió, mưa lớn gặp triều cường, lũ dâng cao, Móng Cái lại vô cùng vất vả và lo lắng cho cả một khối tài sản khổng lồ và cả tính mạng người lao động trên sông biên giới. 

Thực tế, đã có nhiều trường hợp đò đứt dây neo, trôi dạt với tốc độ kinh hoàng gây va đập vào hệ thống cầu cảng và các phương tiện xung quanh. Và lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ ở Móng Cái lại càng thêm vất vả để khắc phục sự cố. Điển hình như vào tháng 8/2012, khi cơn bão số 5 đỗ bộ vào Móng Cái, đã có 5 đò sắt đắm và bị cuốn trôi, mắc kẹt vào trụ cầu Ka Long và cầu Bắc Luân. Trong hai ngày 20 và 21-8, Ban PCLB&TKCN thành phố đã phải huy động lực lượng và dùng thiết bị cắt rời một số bộ phận cũng như thân đò trước khi dùng máy cẩu trọng tải lớn để đưa từng chiếc đò ra khỏi trụ cầu. Gần đây vào lúc 13 giờ ngày 19/7, tại khu vực chân cầu Ka Long, một chiếc đò chở hàng 40 tấn cũng đã bị lũ cuốn trôi. Chiếc đò sắt đã va đập mạnh với chân cầu Ka Long bị uốn cong và mắc vào chân cầu này. Toàn bộ hàng hóa là chỉ dệt may xuất khẩu đã bị nước cuốn trôi. Ngay sau khi va đập với chân cầu người lái đò bị văng xuống sông, nước cuốn xa hàng trăm mét và may mắn thoát chết.

Nhiều đò sắt bị lũ cuốn trôi và mắt kẹt tại chân cầu Ka Long

Hiện ngoài việc neo đậu “nhờ” tại một số cảng của Doanh nghiệp dọc sông Ka Long và âu tàu Thành Đạt tại Km3-4 Hải Yên, nhiều lái đò đã “neo tạm” bằng cách chằng buộc đò vào nhau để chống chọi với bão, lũ.

Từ đầu nguồn, các phương tiện neo tạm bợ, nếu không may xảy ra sự cố sẽ trôi rất nhanh gây nguy hiểm phía cuối nguồn

Đồng chí Thượng úy Nguyễn Hà Tuyên- Trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Hải Yên- Đồn biên phòng Bắc Sơn cho biết: Trong mùa mưa bão 2016, đơn vị thường xuyên duy trì lực lượng trực 24/24, trực tìm kiếm cứu nạn, đồng thời liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo bà con đảm bảo an toàn trên sông biên giới khi có  mưa, bão. Với những trường hợp bà con cố tình không chấp hành, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp mạnh, cưỡng chế tàu và người về nơi an toàn để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho nhân dân.

Đò neo đậu tại âu tàu Thành Đạt 

Việc đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của bà con nhân dân trên sông biên giới, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì còn cần đến ý thức trách nhiệm của chính các chủ và lái đò. Thêm vào đó, cần có sự đầu tư đầy đủ và đồng bộ đối với hệ thống trú ẩn an toàn cho các tàu, đò hàng. Đây được xem là yếu tố căn cơ để đảm bảo an toàn tuyệt đối mỗi khi bão về, triều cường dâng cao...

Thu Hằng
Đài TTTH
Loading...