Cần tăng cường các biện pháp quản lý chăn thả gia súc

27/10/2019 15:04
Ở TP Móng Cái, bên cạnh việc quản lý, chăm sóc gia súc trong các trang trại, chuồng nuôi hợp vệ sinh, an toàn thì tình trạng chăn thả trâu, bò tự do vẫn còn tồn tại ở một số xã phường. Trong đó, việc chăn thả tự do khiến trâu bò di chuyển lên đường phố đã gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Phường Trà Cổ là một trong những địa phương có tình trạng chăn thả trâu, bò tự do diễn ra nhiều năm. Là địa bàn hạt nhân trong khu du lịch quốc gia, hàng năm thu hút đông đảo du khách du lịch tới thăm quan, nghỉ dưỡng thì những hình ảnh trâu, bò di chuyển từng đàn trên quốc lộ, thậm chí phóng uế tự do đã trở thành những « «hạt sạn » trong bức tranh du lịch biển Trà Cổ. Mặc dù địa phương đã có sự vào cuộc khá tích cực  nhưng tình trạng này chỉ được kéo giảm dần, chứ chưa thể dứt điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Phường Trà Cổ cho biết : Toàn phường Trà Cổ hiện có 45 hộ chăn nuôi gia súc với khoảng trên 250 con bò. Hầu hết các hộ nuôi có đàn nhỏ, lẻ từ 1 đến 5 con; có 15 hộ có đàn trên 10 con; 04 hộ được hỗ trợ bò diện hộ nghèo. Mục đích chăn nuôi bò của các hộ chủ yếu để phát triển kinh tế gia đình vì những hộ này chủ yếu làm nông nghiệp, ngư nghiệp và lao động tự do, không có việc làm ổn định, nhiều hộ người cao tuổi, không còn khả năng lao động. Một số hộ dân trong độ tuổi lao động, tuy nhiên trong khi chưa tìm được việc làm, thì việc nuôi bò vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Việc chăn thả bò tự do có diễn ra và là vấn đề được cử tri rất quan tâm, đề nghị xử lý. Trước thực trạng trên, từ năm 2017, 2018, Đảng ủy phường đã thành lập 04 tổ công tác do 04 đồng chí trong thường trực Đảng ủy làm tổ trưởng tuyên truyền, vận động nhân dân chăn thả bò đúng nơi quy định, không để bò thả rông ra đường và vào khu du lịch; duy trì cao điểm trong các tháng mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 7), đồng thời  thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường các quy định về chăn thả gia súc, gia cầm và nhắc nhở nhân dân thực hiện; gặp mặt, họp các hộ chăn nuôi bò bàn các biện pháp quản lý chăn thả đúng quy định. Chỉ đạo các lực lượng, các khu nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện chủ bò có bò vi phạm để kịp thời nhắc nhở, thông tin trên loa truyền thanh. Phối hợp với Đồn Biên phòng Trà Cổ, BQL Du lịch Trà Cổ để tuyên truyền, vận động nhân dân. Tích cực liên hệ với các thương lái hỗ trợ nhân dân bán bò chuyển đổi ngành nghề….

Bò thả rông trên phố gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường

và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT . Ảnh: internet

Qua quá trình tuyên truyền, vận động, trong năm 2018, Trà Cổ  đã có 12 hộ chăn nuôi bán 112 con bò để chuyển đổi ngành nghề, một số hộ giết mổ để tỉa đàn. Nhiều hộ chăn nuôi đã thực hiện việc quản lý chăn thả có người trông nom, do vậy năm 2018 tình trạng bò thả rông ra đường quốc lộ và xuống bãi biển giảm rõ rệt. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa  thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này.

Tương tự như Trà Cổ, xã Hải Xuân có đàn bò164 con thuộc quyền sở hữu của 25 hộ dân. Tình trạng bò di chuyển lên tuyến tỉnh lộ 335 thường xuyên diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT  đối với các phương tiện. Hải Xuân cũng đã vào cuộc khá quyết liệt. Trong đó, UBND xã  đã thành lập cả Tổ thường trực, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm gia súc thả rông và đã từng xử lý 12 trường hợp hộ chăn nuôi không quản lý gia súc, để trâu bò phá hoại lúa, màu với số tiền phạt lên tới 12 triệu đồng. Xã cũng đã đưa nội dung xử lý gia súc thả rông vào quy ước thôn để các hộ dân thực hiện và ký cam kết thực hiện tốt.

Tuy nhiên, tình trạng thả rông gia súc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Lý giải về tình trạng này, đồng chí Nguyễn Văn Phước nhận định : Ngoài yếu tố Ý thức trách nhiệm của một số hộ chăn nuôi còn chưa cao; chăn thả rông bò cũng là thói quen lâu nay của các hộ dân, cũng là thói quen sinh hoạt của gia súc nên việc thay đổi cách chăn thả còn khó khăn, cần có thêm thời gian để giải quyết thì việc xử lý bò thả rông của xã, phường chủ yếu dựa trên việc tuyên truyền, vận động người dân quản lý chăn thả và bán bò, chuyển đổi nghề, chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm; công tác bắt giữ, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, chưa thực sự quyết liệt. Trên thực tế, việc chăn nuôi bò cũng là nguồn thu nhập chính đối với một số hộ dân, trong khi chưa có cơ chế để chuyển đổi nghề nghiệp cho hộ chăn nuôi. Trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định thì chế tài xử lý 01 lỗi hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ tính răn đe, trong khi để bắt giữ được 01 cá thể vi phạm phải huy động nhiều lực lượng tham gia….

Từ những khó khăn trên, theo các xã phường có tình trạng chăn thả gia súc tự do thì cách tốt nhất vẫn chỉ là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi bò quản lý tốt việc chăn thả, đồng thời kết hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Tuy nhiên, nếu không quyết liệt, thiếu sự quan tâm sâu sát liên tục thì có lẽ, tình trạng này khó đi đến dứt điểm. Mà hiện tại, trâu, bò thả rông di chuyển lên quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí vào hẳn nội thành là vấn đề gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao vẫn đang diễn ra.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...