Cần tăng cường quản lý các bãi triều

03/03/2017 09:07
Theo Luật Thuỷ sản năm 2003 và Nghị định 27/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản, vấn đề về quản lý hoạt động nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) trên mặt bãi triều, mặt nước biển đã được quy định rõ. Tuy nhiên, do thiếu những văn bản hướng dẫn đồng bộ từ Trung ương nên hơn 10 năm nay, lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức và gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Người dân xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) khai thác thuỷ sản ở các bãi triều, rừng ngập mặn.
Người dân xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) khai thác thuỷ sản ở các bãi triều, rừng ngập mặn.

Tình trạng "cát cứ" bãi triều

Thuộc địa bàn hành chính của xã Vạn Ninh, song Bãi Đai lại là khu vực khai thác thuỷ sản tự nhiên của những người dân ven biển Móng Cái. Từ những năm 2006, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp, cãi vã giữa những người nuôi ngao, nghêu và những người đi vào khai thác sá sùng. Nhiều người dân phải chấp nhận nộp 1/2 sản phẩm khai thác được cho những người nuôi ngao, nghêu. Mâu thuẫn kéo dài gần chục năm trời đã trở nên đỉnh điểm vào tháng 5-2014, do quá bức xúc trước sự vô lý của những người lấn chiếm trái phép bãi triều, một số thanh niên đã quá khích mang vũ khí vào đánh lộn, nhiều người dân ồ ạt tràn vào các ô nuôi thả ngao, nghêu, gây mất an ninh khu vực và thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nuôi trồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do năm 2006, UBND TP Móng Cái có quyết định cho 23 hộ dân xã Vạn Ninh thuê đất, mặt nước để nuôi ngao, nghêu trong thời gian 5 năm, nhưng không hoàn thiện hồ sơ. Công tác quản lý của địa phương cũng đã bị buông lỏng suốt một thời gian dài, không giải quyết triệt để, khiến cho nhiều hộ dân trước nguồn lợi lớn từ tự nhiên đã tự ý lấn chiếm, khoanh nuôi, dựng chòi, quây lưới trái phép, làm giảm diện tích khai thác sá sùng tự nhiên của những ngư dân sống phụ thuộc chính vào nghề này.

Không chỉ có TP Móng Cái, một số địa phương khác cũng xuất hiện tình trạng này, gây bức xúc không nhỏ cho bà con ngư dân ven biển. Mới đây nhất là ở xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà. Mặc dù các bãi cồn, ghềnh đá ở địa phương chưa thuộc bất cứ quyền sử dụng của một cá nhân nào, nhưng hiện nay, 90% bãi cồn, ghềnh đá đã bị nhiều người dân tự ý lấn chiếm, cấm các hộ dân khác không được đến đánh hà, bắt ốc, khiến nhiều người mất kế sinh nhai. Nếu huyện Hải Hà không nhanh chóng giải quyết triệt để việc tự ý lấn chiếm này, có thể Cái Chiên sẽ trở thành “điểm nóng”.

Tìm hiểu về công tác quản lý bãi triều, mặt nước được biết, hiện nay việc cho thuê đất bãi triều để NTTS tại các địa phương đều được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp và trên 1.000 hộ gia đình được nhà nước giao, cho thuê đất để NTTS. Việc giao và cho thuê đất bãi triều cho các hộ gia đình đã tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất bám nghề, phát huy hiệu quả sử dụng diện tích đất bãi triều được giao, thuê, mang lại nguồn lợi từ vùng đất bãi triều tương đối lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, trong khi đó, việc giao, cho thuê bãi triều, mặt nước chưa có sự thống nhất chung về cơ chế quản lý, phân cấp. Công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ tại các địa phương, cộng với hệ thống văn bản quản lý trong lĩnh vực thuỷ sản và quản lý đất đai chưa có tương đồng, thống nhất về thẩm quyền và hạn mức giao, cho thuê đã gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Từ đó gây mâu thuẫn, tranh chấp bãi triều NTTS xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh như khu vực Bãi Đai - Móng Cái, Phú Hải - Hải Hà, Tân Bình - Đầm Hà...

Tăng cường quản lý theo các quy định

Theo phương án quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực NTTS có 6 vùng định hướng phát triển đến 2020. Trong đó, diện tích nuôi thuỷ sản bãi triều được xác định chính nằm trong 2 vùng nuôi cơ bản, cụ thể: Vùng nuôi nhuyễn thể có diện tích là 4.365ha với sản lượng ước 31.695 tấn, tại các địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm có diện tích 2.028ha với sản lượng ước 2.120 tấn, tại các địa phương Quảng Yên, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Tiên Yên. Trước những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở các địa phương, tháng 4-2016, Sở NN&PTNT đã thành lập 1 tổ soạn thảo, tiến hành rà soát hết các hệ thống văn bản, lập dự thảo xin ý kiến các địa phương và trình UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý hoạt động NTTS trên bãi triều, mặt nước. Tháng 1-2017 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 209/2017/QĐ-UBND liên quan đến nội dung này, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có riêng một hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Theo đó, Quyết định đã nêu rõ phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; những hành vi bị cấm; thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi quyền sử dụng bãi triều, mặt nước biển để NTTS; hạn mức diện tích và thời hạn giao... Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị quản lý bãi triều, mặt nước biển để NTTS. Bao gồm: Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, UBND cấp huyện, sở, ngành liên quan. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Quyết định này sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, cũng như xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, để công tác quản lý bãi triều, mặt nước đi vào nền nếp, các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện công tác quy hoạch và lập quy hoạch chi tiết cho các vùng NTTS tập trung trên bãi triều; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và phát triển thuỷ sản, tập trung đào tạo nghề cho nông dân tham gia NTTS; tuyên truyền, vận động các thành phần kinh tế khai thác tiềm năng, thế mạnh đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng cho các vùng nuôi nhuyễn thể tập trung...

Loading...