Cần thực hiện tốt tiêm phòng chống bệnh dại cho vật nuôi

09/06/2017 08:25
Tính đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã chủ động mua sắm vắc xin, cấp đủ kinh phí phục vụ công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đối với vắc xin dại, các địa phương vẫn còn rất chủ quan và buông lỏng, khiến cho nhiều trường hợp bị chó dại cắn và dẫn đến tử vong. Năm 2014 và 2015, mỗi năm đều có một người tử vong do bệnh dại và đều xảy ra tại huyện Tiên Yên. Điều đáng tiếc là ngày 1/6 vừa qua, tại TP Móng Cái đã có thêm một cái chết đau lòng vì chó dại cắn.

 

Trường hợp xấu số là ông Hoàng Văn H (sinh năm 1950, trú tại thôn 3, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái). Cuối tháng 4/2017, khi phát hiện có một con chó hoang chạy đến trang trại của gia đình, ông H đã bắt và xích nhốt con chó lại. Tuy nhiên, trong quá trình bắt và nhốt, ông H đã bị con chó cắn vào mu bàn tay gây chảy máu. Chỉ ít ngày sau con chó hoang bị chết nhưng do chủ quan, không nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, ông H đã không thông báo cho cơ quan y tế và gia đình. Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt mà theo ghi nhận, trong 22 người bị chó cắn ở Vĩnh Trung, Vĩnh Thực từ tháng 11-2016 đến nay, cũng chỉ có 12 người đi tiêm phòng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh sự chủ quan, nhận thức hạn chế của người dân, hậu quả đáng tiếc này còn xuất phát từ sự thiếu kiên quyết, chủ động của chính quyền địa phương. Kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, tại nơi phát sinh ổ dịch là xã Vĩnh Thực, đến ngày 1/6, toàn xã mới tiêm phòng được 192/450 liều (đạt 42% kế hoạch) và tại xã Vĩnh Trung, thống kê tổng đàn chó nuôi tại 2/4 thôn là 220 con nhưng mới tiêm phòng được 10/450 liều (chưa đầy 3%). Không chỉ 2 xã đảo có kết quả đạt thấp mà trên toàn địa bàn thành phố Móng Cái, kết quả tiêm phòng cũng không khả quan hơn khi mới chỉ tiêm được gần 2.000/6.500 liều (bằng 29,3% kế hoạch).

j
Người dân khu 3, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) đưa chó đi tiêm phòng (ảnh chụp tháng 4/2016)

Trong khi đó, để thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2020, ngày 22-2, UBND tỉnh ban hành công văn số 1503/UBND-NLN3 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn. Đồng thời, ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng dại với tổng số 90.800 liều (tăng gần 2.000 liều so với năm 2016) và yêu cầu các địa phương phấn đấu đạt 100% chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin dại để tạo miễn dịch; vận động trên 80% chủ nuôi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó. Đặc biệt, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh dại trên đàn chó trong tháng 3-4. Không chỉ đặt ra kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể, 8/14 địa phương đã được tỉnh giao quyền chủ động trong việc bố trí ngân sách để tiến hành việc đặt mua vắc xin tiêm phòng; 6/14 địa phương  (Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà) được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vắc xin và công tiêm phòng. Thế nhưng, trên thực tế cho thấy, nhiều năm liền, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp, chưa có năm nào đạt được 100%. Riêng năm nay, tính đến ngày 6/6, toàn tỉnh mới đạt gần 70% kế hoạch. Trong đó một số địa phương kết quả rất thấp như: Đông Triều là 42,8%; Bình Liêu là 31%; Đầm Hà là 36%... Với tỷ lệ này, chưa đủ bảo hộ phòng chống bệnh dại cho đàn chó nuôi nhất là khi mùa nóng đến gần và đã xuất hiện ổ bệnh dại trên người.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nguyên nhân chính là do những địa phương này còn rất chủ quan, thờ ơ với bệnh dại và công tác tiêm phòng, dẫn đến kế hoạch tiêm phòng có nhưng không thực hiện theo đợt, không tổ chức thông báo cụ thể địa điểm, ngày giờ tiêm phòng cho người dân (Đông Triều); một số địa phương không đủ Trưởng ban thú y cho các xã, phường, thị trấn (Đông Triều, Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ); một số địa phương huy động, trưng dụng lực lượng công an viên, phụ nữ, dân phòng đi tiêm phòng (Hoành Bồ, Móng Cái) dẫn dến hiệu quả không cao, không đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, không có kỹ năng trong việc tuyên truyền, vận động; có địa phương cán bộ thú y đã cao tuổi, hoặc xin nghỉ việc chuyển công tác (Hoành Bồ). Nhiều nơi không thống kê hoặc thống kê qua loa, chiếu lệ không đầy đủ số lượng chó, mèo nuôi trong dân, việc quản lý đàn chó nuôi ở các địa phương bị buông lỏng.

Trở lại câu chuyện về trường hợp ông H cho thấy, đây là một loại bệnh rất nguy hiểm, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị, khi bệnh đã bộc phát tỷ lệ tử vong là 100%. Trong khi đó, hiện tại đang là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng, là yếu tố thuận lợi để tồn tại ổ bệnh dại tiềm tàng trên đàn chó tại các địa phương và nguy cơ phơi nhiễm, tử vong do bệnh dại trên người luôn hiện hữu. Để ngăn ngừa bệnh dại lây sang người, công tác tiêm phòng trên đàn chó, mèo được xác định là biện pháp hữu hiệu, quan trọng hàng đầu. Vì vậy, các địa phương cần triển khai ngay việc rà soát, thống kê, tiêm phòng vắc xin dại cho 100% số chó khỏe mạnh trong diện tiêm phòng; đẩy mạnh công tác thông tin về tình hình dịch để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và tự giác tham gia công tác phòng chống dịch; trong trường hợp phát hiện chó thả rông phải quyết liệt xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi và tiêu hủy chó trong vòng 48h nếu không có người nhận. Nếu địa phương nào vẫn để xảy ra dịch bệnh và tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, UBND tỉnh cũng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh.

baoquangninh.com.vn
Loading...