Phát triển và xây dựng Móng Cái:

Cần tiếp cận vấn đề từ lợi ích quốc gia với tầm nhìn tổng quát, toàn diện và dài hạn

08/06/2016 08:34
Theo các Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái, TP.Móng Cái giữ vai trò trung tâm hạt nhân và trung tâm động lực, là một trong 2 mũi đột phá chiến lược phát triển của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Định hướng phát triển cho Móng Cái, Chủ tịch UBND thành phố Dương Văn Cơ cho rằng, cần tiếp cận vấn đề từ lợi ích quốc gia với tầm nhìn tổng quát, toàn diện và dài hạn. Mongcai.gov.vn đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với đồng chí Chủ tịch UBND thành phố.

 

Toàn cảnh thành phố Móng Cái

PV: Với quyết tâm xây dựng Móng Cái trở thành Trung tâm kinh tế phát triển năng động, đô thị loại II vững chắc về quốc phòng, an ninh trước năm 2020 theo Quyết định 99/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Thưa đồng chí, Móng Cái đã thực hiện những giải pháp đột phá nào để thực hiện mục tiêu đề ra là gì?

Đồng chí Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái

Đồng chí Dương Văn Cơ: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020 và quyết tâm xây dựng Móng Cái trở thành Trung tâm kinh tế phát triển năng động, đô thị loại II vững chắc về quốc phòng, an ninh trước năm 2020 theo Quyết định 99/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Móng Cái đã tập trung thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó đặc biệt trú trọng tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi những bất cập trong chính sách XNK, kho bãi, quản lý chợ, cảng biển, hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt triển khai Đề án khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc); Thực hiện chiến lược liên kết vùng: Hợp tác với các cửa khẩu Việt Nam giáp với Trung Quốc tạo thành hệ thống cửa khẩu đồng bộ, liên hoàn; Hợp tác với thành phố Đông Hưng và các địa phương khác của Trung Quốc nhằm khai thác thị trường với dân số đông và nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh về thương mại và thu hút đầu tư; Hợp tác với các nước ASEAN để xây dựng các chiến lược thương mại và du lịch phù hợp với Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Bên cạnh đó, Móng Cái cũng đang tích cực xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn theo hướng chính quyền đô thị; đẩy mạnh CCHC, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính quyền điện tử, Trung tâm phục vụ hành chính công; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm. Qua đó, từng bước cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế.

PV: Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế, một trong những cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN? Thời gian qua, Móng Cái đã có những hoạt động tích cực nào nhằm vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai địa phương cũng như phát huy lợi thế này trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng chí Dương Văn Cơ: Nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa thành phố Móng Cái các địa phương biên giới thành phố Đông Hưng và Khu Phòng Thành (Trung Quốc), trong những năm qua Thành phố đã có nhiều hoạt động tích cực giao lưu hữu nghị trên nhiều lĩnh vực với thành phố Đông Hưng, Khu Phòng Thành (Trung Quốc). Trong đó, đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá thể dục thể thao nhân dịp các ngày lễ lớn và nhân dịp Hội chợ thương mại du lịch biên giới Việt - Trung được tổ chức luân phiên hàng năm tại mỗi bên. Trong khuôn khổ Hội chợ, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công đã 13 lần chương trình Liên hoan hát đối trên sông biên giới giữa thanh niên hai nước Việt - Trung. Đây là hoạt động giao lưu văn hoá đặc sắc riêng có ở khu vực biên giới Việt - Trung (Móng Cái - Đông Hưng), được nhân dân hai bên biên giới nhiệt tình hưởng ứng tham gia cổ vũ và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Hội thảo thúc đẩy hoạt động Thương mại - Du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Việt - Trung

Trong đối ngoại nhân dân, Móng Cái đã xác định đây là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, Móng Cái đã tăng cường công tác này thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh để nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân (các dịp Lễ, Tết, Thanh Minh...), trao đổi làm ăn buôn bán phát triển kinh tế. Chỉ đạo và khuyến khích các ban ngành, đoàn thể của Thành phố tăng cường giao lưu với các ngành tương ứng của Thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên (giao lưu hát đối trên sông biên giới, trồng cây tại Đài tưởng niệm liệt sỹ, phối hợp bảo vệ môi trường sông biên giới Bắc Luân, Chương trình Giao lưu hữu nghị “Chung một vầng trăng, Chung một tấm lòng” đón Tết Trung Thu 2015 tại thành phố Móng Cái... ); Phòng Văn hoá thông tin, Trung tâm văn hoá, các đơn vị Ngân hàng đóng chân trên địa bàn (giao lưu giải bóng đá nhân dịp Tết Nguyên Tiêu hàng năm, các giải thể thao như: cầu lông, quần vợt...); Ký kết Trường THPT Trần Phú giao lưu trại hè với học sinh của Thành phố Đông Hưng (Trung Quốc)...

Lễ ký kết nghĩa giữa hai khu dân cư hai nước

Bên cạnh đó, Thành phố Móng Cái cũng đã thực hiện tổ chức thành công Lễ ký kết nghĩa cụm dân cư biên giới giữa Khu Tràng Vỹ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái và Thôn Vạn Vỹ, thành phố Đông Hưng, Trung Quốc ngày 11/3/2014; Thôn Pò Hèn, Hải Sơn, Móng Cái và Thôn Thán Sản, Khu Phòng Thành, Trung Quốc ngày 26/8/2014. Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Trung Quốc - ASEAN của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc và UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 15-17/6/2015, thành phố Móng Cái và thành phố Đông Hưng (TQ) đã phối hợp tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ hưởng ướng chương trình “Du lịch đỏ - theo dấu chân Bác Hồ” và “Liên hoan nhân dân biên giới Việt - Trung”. Qua các nội dung của Hoạt động liên hoan đã góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt – Trung; thể hiện thái độ ủng hộ của nhân dân các tỉnh biên giới hai nước với kết quả phân định cắm mốc biên giới Việt – Trung, tuyên truyền về kết quả việc phân định cắm mốc biên giới hai nước. Đồng thời là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo tiền đề để ổn định lâu dài cho cuộc sống của nhân dân vùng biên và phát triển kinh tế- xã hội của mỗi nước, cùng nhau tôn trọng và bảo vệ cột mốc đường biên giữa hai nước, cùng hợp tác xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác; vì sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước cũng như của các địa phương ở khu vực biên giới. Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt - Trung còn góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân đặc biệt là thanh, thiếu niên 2 nước về truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hợp tác hữu nghị của nhân dân hai nước trên tinh thần 4 Tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

PV: Để có cái nhìn khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Móng Cái năm 2015 và 05 tháng đầu năm 2016, đồng chí muốn nói điều gì?

Đồng chí Dương Văn Cơ: Có thể nói, trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016, thực hiện nhiệm vụ bên cạnh những thuận lợi, ngoài những khó khăn, ảnh hưởng tác động chung của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, thành phố Móng Cái còn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cơ chế, chính sách thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, sức mua nội địa giảm, hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan vốn là thế mạnh của Móng Cái tiếp tục gặp khó khăn…

Thành tựu Móng Cái đạt được sau những năm đổi mới

Bám sát các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, Thành phố đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện toàn diện, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực tạo ra sự chuyển biến rõ rệt. Trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 19,5% so CK, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 20,5% so CK, giá trị ngành nông, lâm, thủy sản tăng 8% so CK; thu ngân sách cơ bản đạt tiến độ; hoàn thành việc lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch chiến lược Khu KTCK; cải cách hành chính được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên rõ rệt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của bộ máy hành chính có nhiều tiến bộ; vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân ngày càng được nâng cao, phát huy hiệu quả. Đề án 25 được quyết liệt triển khai đạt kết quả rõ nét theo đúng lộ trình đề ra. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của người dân nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc vùng biên giới, biển đảo được quan tâm; Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất bất ngờ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhìn tổng thể bức tranh KTXH trong thời gian qua, có thể thấy rằng, xu hướng hội nhập và phát triển như hiện nay, việc xây dựng Móng Cái trở thành thành phố Cửa khẩu Quốc tế hiện đại cần được xem là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và khẩn trương. Tôi cho rằng, cần tiếp cận vấn đề từ lợi ích quốc gia với tầm nhìn tổng quát, toàn diện và dài hạn để xác định phương hướng, mục tiêu, giải pháp, cơ chế, chính sách vượt trội mang tính chất chiến lược mà tìm ra các khâu then chốt để độp phá nhằm tập trung được nguồn lực đầu tư phát triển. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng, tạo nền móng để nâng tầm phát triển thành phố trong tương lai. Cách nhìn tổng thể này còn bao gồm cả việc đặt phát triển Móng Cái trong hệ thống Móng Cái – Hải Hà – Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng, gắn việc xây dựng đặc khu kinh tế Móng Cái – Hải Hà với các đặc khu kinh tế khác; phát triển vành đai kinh tế dựa trên 3 trụ cột kinh tế chính là ba ngành mũi nhọn được dự báo có đóng góp giá trị gia tăng cao vào tăng trưởng của Móng Cái, gồm thương mại, du lịch và công nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là nhanh chóng khắc phục tình trạng tụt hậu, có xu hướng trở thành sự khác biệt về “đẳng cấp” so với các thành phố phía bên kia biên giới, dẫn đến nhiều hạn chế, thua thiệt trong hợp tác phát triển, không chỉ riêng với từng địa phương mà còn chung cho cả nước.

Bên cạnh đó, để Móng Cái có thể khai thác hiệu quả các lợi thế nổi trội về địa kinh tế và địa chính trị, tôi cũng suy nghĩ rằng, Chính phủ cần cho phép thành phố Móng Cái được thí nghiệm thực hiện mô hình phát triển là Đặc khu kinh tế có khả năng cạnh tranh với các đặc khu của Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Biến Thành phố Móng Cái thành nơi để thí điểm các chính sách đối với đặc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở và thực hiện chiến lược Biển Việt Nam. Xây dựng trở thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Hồng và vịnh Bắc Bộ; phát triển Thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại. Tạo được thế cạnh tranh để phát triển, nhất là đối với khu khai phát trọng điểm Đông Hưng, khai thác, phát huy tốt lợi thế của điểm giao thoa, hội tụ trong quan hệ Việt-Trung, không để Móng Cái lạc hậu so với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), không để trở thành khu kinh tế vệ tinh của khu khai phát trọng điểm Đông Hưng (Trung Quốc) và bị động trong quan hệ hợp tác kinh tế.

Bá Khang
Đài TT-TH
Loading...