Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Quảng Ninh

26/10/2022 13:56
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cảnh báo, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Quảng Ninh đang tăng mỗi tuần.
Cán bộ y tế của CDC Quảng Ninh và Trạm Y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) giám sát, điều tra muỗi, lăng quăng tại tổ 6, khu 7, phường Hồng Hải.

Trong sáng 26/10, CDC Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức kiểm tra trên diện rộng về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại các phường Hồng Hải, Hồng Hà, Cao Thắng (TP Hạ Long), nơi đang có số ca mắc SXH tăng cao. Đồng thời, cán bộ y tế  xã, phường trên địa bàn TP Hạ Long tiếp tục kiểm tra, giám sát tại các địa phương còn lại.

Qua kiểm tra tại nhà một số người dân ở các phường Hồng Hải, Hồng Hà, Cao Thắng (TP Hạ Long), Đoàn kiểm tra vẫn ghi nhận tình trạng những vật chứa nước không có nắp đậy, lâu ngày không được súc rửa thường xuyên; tù đọng nước ở những vườn trồng rau, trồng cây cảnh… nên xuất hiện lăng quăng, đây chính là nguồn phát sinh muỗi truyền bệnh.

Cũng theo ghi nhận của CDC Quảng Ninh, nhờ công tác tuyên truyền liên tục từ năm 2016 đến nay, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch SXH đã được nâng lên rõ rệt. Người dân đã có ý thức vệ sinh môi trường, nuôi cá trong các bể chứa nước, lật úp các dụng cụ chứa nước… nhằm ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi, chủ động phòng, chống dịch SXH. Hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh, không để dịch SXH xảy ra trên diện rộng và kéo dài.

Phát hiện muỗi Aedes albopictus, dân gian gọi là muỗi vằn, trung gian truyền bệnh chính sốt xuất huyết Dengue.

Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 303 ca mắc SXH, trong đó có 270 trường hợp dương tính; chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu tại Hạ Long (172 ca), Cẩm Phả (41 ca), Quảng Yên (23 ca), Móng Cái (20 ca), Đông Triều (14 ca)…

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, đặc biệt trong 3 tuần gần đây ghi nhận số mắc trung bình trên 40 ca/tuần. Ghi nhận các chùm ca mắc tại phường Hồng Hải, Bãi Cháy (TP Hạ Long); phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả); xã Tiền An (TX Quảng Yên).

Kết quả giám sát véc tơ cho thấy có sự xuất hiện của lăng quăng và muỗi truyền bệnh SXH ở 13/13 địa phương với nhiều điểm giám sát có chỉ số cao trên ngưỡng gây dịch, đặc biệt là sự xuất hiện của véc tơ truyền bệnh chính là muỗi Aedes Aegypti ở phường Hồng Hải, Bãi Cháy (TP Hạ Long).

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ là nơi ca bệnh SXH đang gia tăng nên khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng của SXH như sốc, suy đa tạng, chảy máu…

Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

Một số nhà dân đã chủ động nuôi cá bảy màu trong các bể chứa nước để diệt lăng quăng.

Các chuyên gia cảnh báo, theo chu kỳ, 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch SXH lớn xảy ra. Hiện nay tại Quảng Ninh và miền Bắc, SXH đang là đỉnh điểm của dịch nên người dân cần lưu ý chủ động phòng bệnh sớm.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng và phòng, chống muỗi đốt.

baoquangninh
Loading...