Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng

29/09/2023 15:02
Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, về tội phạm công nghệ cao nhưng trên thực tế, với những chiêu trò vô cùng tinh vi của bọn lừa đảo thì vẫn không ít người bị “sập bẩy”.

Nhiều thủ đoạn tinh vi
Mới đây, phòng An ninh mạng (ANM) và phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận đơn tố cáo của anh V.V.T.(ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị nhóm đối tượng giả danh cán bộ thuế huyện Long Thành liên hệ đề nghị cài đặt ứng dụng khai báo thuế online để được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế VAT. Tin lời đối tượng nên anh T. thực hiện cài đặt ứng dụng HCMTAX theo hướng dẫn và tài khoản ngân hàng và sau 1 đêm tài khoản của anh đã bị “bốc hơi” gần 1,2 tỷ đồng. 

Lực lượng Công an làm việc với bị hại.
Lực lượng Công an làm việc với bị hại.

Bằng hình thức gọi điện và hướng dẫn các thủ tục online, anh N.P.H.(ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vừa bị một nhóm đối tượng mời vay tiền bằng việc cài đặt app Standard Chartered. Sau quá trình thẩm định giấy tờ qua zalo, anh H. được vay 80 triệu đồng, trong quá trình “giải ngân giả”, nhóm đối tượng trên thông báo anh bị sai tên họ nên yêu cầu phải chuyển khoản cho bên app để cập nhật lại số tài khoản; tuy nhiên, thao tác lại và chuyển khoản nhiều lần với tổng số tiền chuyển cho bên cho vay hơn 700 triệu đồng, anh H. vẫn không lấy được số tiền đã chuyển và vẫn không được “giải ngân”.

Theo Thượng úy Nguyễn Hữu Linh, cán bộ phòng ANM và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai, nhiều nạn nhân sau khi đã chuyển cho đối tượng tiền, do tâm lý muốn lấy lại số tiền đã chuyển nên cứ thế bị cuốn theo kịch bản của các đối tượng lừa đảo, thậm chí nhiều nạn nhân không có sẵn tiền vẫn vay mượn người thân, bạn bè để mong “gỡ”, lấy lại số tiền đã chuyển, “đầu tư ảo” trước đó nhưng cuối cùng tiền vẫn không lấy lại được và bản thân thì ôm một khoản nợ không hề nhỏ. 

Một số phương thức lừa đảo công nghệ cao.
Một số phương thức lừa đảo công nghệ cao.

Nâng cao cảnh giác với tội phạm công nghệ cao
Tội phạm mạng đang có xu hướng diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng và khó lường trên quy mô toàn cầu, là mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định, phát triển của các quốc gia và được xác định là một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của cộng đồng quốc tế. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.

Tại Đồng Nai, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, Phòng ANM và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hơn 20 tin báo, tố giác liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng qua các thủ đoạn quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng online, tuyển người mẫu ảnh, tuyển nhân viên thu âm sách, kêu gọi đầu tư chứng khoán, ngoại hối, mời cài đặt app… với tổng số tiền thiệt hại trên 40 tỷ đồng. Đã xác minh, khởi tố 12 vụ, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh theo thẩm quyền. 

Người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia môi trường internet, tránh để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia môi trường internet, tránh để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy đã có không ít người dân bị lừa đảo bởi bọn tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu.
Trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, với nhiều phương thức lừa đảo, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng... Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền; yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc. Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Trên thực tế, cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc…

bocongan.gov.vn
Loading...