Canh cáy gọng đỏ - đậm đà hương vị quê hương

25/05/2022 17:22
Cáy gọng đỏ thường sống ở vùng nước lợ, rừng sú vẹt của TP Móng Cái và trải dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhất là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, vào thời điểm con nước xuống, người dân thường đi soi và bắt cáy biển về chế biền để nấu món canh cáy gọng đỏ mát lành, giải nhiệt trong những ngày hè và mang đậm đà hương vị quê hương


Vào tháng 4 đến tháng 9 âm lịch được coi là mùa bắt cáy của ngư dân địa phương, đây cũng là thời điểm mà những người đi soi, bắt cáy gọng đỏ vào vụ, bởi thời gian này trong năm cáy gọng đỏ chắc thịt nhất. Để bắt được cáy bạn cần am hiểu về con nước thủy triều và phải thật nhanh tay nhanh mắt bởi cáy khi có động trốn rất nhanh vào hàng, chính vì đặc điểm này nên ngư dân thường đi bắt cáy vào chiều tối, đêm muộn và gần sáng sớm.

Con cáy nói chung và cáy gọng đỏ nói riêng thường sống ở vùng nước lợ, rừng sú vẹt của TP Móng Cái và trải dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhất là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, vào thời điểm con nước xuống, người dân thường đi soi và bắt cáy biển về chế biền để nấu món canh cáy gọng đỏ mát lành, giải nhiệt trong những ngày hè và mang đậm đà hương vị quê hương

Cáy biển thuộc họ cua có nhiều loại, cáy thường sống ở vùng nước lợ ven cửa sông, cửa biển. Cáy biển thường có lông nhỏ nhưng càng khá to, các chân nhỏ hơn nhưng có nhiều lông, cáy có càng to và màu đỏ là loại cáy ngon nhất. Cáy thường sống trong hang và thường khi chúng đi tìm thức ăn là thời điểm đi bắt cáy, cáy lẩn trốn rất nhanh vào hang khi có động nên người đi bắt cáy phải thật nhanh tay mới bắt được. Thời điểm tối và đêm khi nước xuống phơi bãi triều cạn người dân sẽ đi bắt cáy. Dụng cụ đánh bắt cáy tương đối đơn giản gồm đèn pin, loại đội lên đầu để thuận tiện cho quá trình bắt cáy, thùng đựng cao và đồ bảo hộ như găng tay, ủng để tránh bị cáy cắp.

Cáy biển thường sống trong những lỗ nhỏ trên cát gọi là lỗ bống và dưới gốc cây mắm. Theo những người chuyên đi bắt cáy thì khi nước cạn phơi bãi càng lâu thì cáy bò lên khỏi lỗ bống sẽ dễ bắt hơn, cáy hay ở miệng lỗ bống soi kỹ mới thấy càng cáy nhô lên, phải nhanh tay vồ để chặn đường lui của cáy, nếu không nhanh gọn cáy sẽ chui ngay vào lỗ bống.

Cáy gọng đỏ say hoặc giã nhuyễn nấu với rau đay, mồng tơi và mướp - món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương

Sau khi đi bắt cáy gọng đỏ về, để có được bát canh cáy gọng đỏ biển nấu rau đay mồng tơi với mướp giải nhiệt và đưa cơm trong những ngày hè bởi vị ngọt thanh và mát lành, thì điều quan trọng nhất khi chế biến đó là cáy phải còn sống và sau khi bắt xong thì rửa sạch, bỏ phần yếm và dải phân là nguyên nhân làm thịt cáy hôi và ngâm cáy trong nước sạch 30-40 phút. Tiếp theo là tách phần mai cáy để riêng, phần thân cáy cùng càng cho vào giã nhỏ hoặc xay đến nhuyễn, lưu ý khi giã cáy nên cho thêm chút muối mà theo kinh nghiệm dân gian cho một chút muối khi giã cùng sẽ làm cho thịt cáy kết lại khi nấu và mang lại vị đậm đà cho bát canh cáy. Sau khi giã hoặc xay nhuyễn cáy cho thêm nước khuấy đều rồi lọc bỏ phần bã. Trước khi nấu dùng tăm khều hết phần gạch trong mai cáy bỏ vào nồi để nồi canh thêm thơm ngọt và có màu sắc bắt mắt.

Canh cáy gọng đỏ kèm theo cà pháo muối chua - món ăn mát lành ngày hè

Khi đun canh cáy, bạn chú ý đun nhỏ lửa và nêm nếm gia vị cho vừa ăn theo khẩu vị. Đợi khi nước sôi cho rau mồng tơi, hay rau đay thái nhỏ và mướp vào đợi đến khi canh sôi lần nữa là tắt bếp. Khi cho rau vào cần chú ý thời gian và không nên đậy vung vì sẽ trào cáy, đun quá lâu rau sẽ bị nồng và nhũn nát làm mất độ thơm ngon của canh cáy và màu xanh mướt bắt mắt của rau và mướp, sau đó cho riêu cáy vào sôi đều là bạn đã có một bữa canh cáy gọng đỏ ngọt, mát lành đưa cơm ngày hè và mang đậm đà hương vị quê hương./.

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...