Cầu Ka Long trước còn có tên là Gia Long theo tên gọi của vua Gia Long
Đi về phía trung tâm thành phố Móng Cái, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây cầu Ka Long “trầm ngâm” nối liền hai bên bờ sông Ka Long.
Sông Ka Long trước kia có tên là sông Mang, hay còn gọi là sông Bắc Luân, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy theo hướng Đông Nam đổ vào vịnh Bắc bộ tại cửa Bắc Luân. Dòng sông “Nhất giang lưỡng quốc” này đã tạo thành biên giới tự nhiên dài 60km giữa thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là một cửa khẩu đường sông sầm uất và quan trọng trong quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Từ bao lâu, cây cầu Ka Long với lối kiến trúc độc đáo, dáng tựa như con rồng vắt ngang dòng sông Ka Long đã trở thành biểu tượng lịch sử của thành phố. Cây cầu này được thiết kế bởi một nữ kiến trúc sư người Pháp, do công nhân Trung Quốc và Việt Nam thi công, xây dựng từ những năm 1950 đến năm 1964 thì hoàn thành. Cây cầu ngay khi “ra đời” đã được chứng kiến cuộc đấu tranh chống ngoại xâm đầy anh dũng của quân và dân Móng Cái, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh hào hùng của cả dân tộc. Cũng bởi thế, nhắc đến cầu Ka Long là nhắc đến biểu tượng lịch sử đầy tự hào trong tiềm thức mỗi người con nơi địa đầu Tổ Quốc.
Hình ảnh cầu Ka Long ngày nay
Cầu Ka Long là cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng đá. Không dùng chất kết dính như xi măng vôi vữa, mà chỉ sử dụng những phiến đá lớn nhỏ ghép lại với nhau nhưng cây cầu cho đến nay vẫn trường tồn cùng thời gian. Trên thân cầu còn có dòng chữ “Tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững” được viết bằng tiếng Việt và tiếng Hoa, như thông điệp khẳng định mối quan hệ ngoại giao thân thiết vững bền giữa hai nước Việt-Trung cũng như giữa hai địa phương nơi biên giới Móng Cái-Đông Hưng. Trải qua thăng trầm lịch sử, cây cầu vẫn vững chãi thực sự là một dấu ấn khó quên cho ai đã từng đặt chân đến Móng Cái.
Cầu Ka Long hiện nay nằm trong 3 tuyến và 12 điểm du lịch trên địa bàn TP.Móng Cái vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận, cùng với các điểm du lịch như: Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ, Nhà thờ Trà Cổ, Chùa Xuân Lan…
Hơn 50 năm đi vào sử dụng, gánh gồng hàng trăm lượt xe cộ đi lại mỗi ngày, cây cầu ít nhiều đã có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy TP Móng Cái quyết định tiến hành sửa chữa, nâng cấp kết hợp với lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trang trí hiện đại trên cầu Ka Long để bảo tồn, giữ gìn giá trị lịch sử và phát huy giá trị văn hóa mang đậm nét truyền thống của Móng Cái.
Cầu Ka Long lung linh huyền ảo sau khi được cải tạo, nâng cấp
Tổng giá trị đầu tư khoảng gần 3 tỷ đồng do công ty điện tử Hà Nội IEC thi công. Hệ thống điện trang trí với đa sắc màu sinh động đã làm nổi bật cây cầu lịch sử và trở thành một điểm nhấn ý nghĩa mỗi khi Thành phố lên đèn.
Thành phố Móng Cái ngày nay đã khoác lên mình “tấm áo mới”. Tuy mang trong mình diện mạo của một thành phố thương mại sầm uất, song nơi đây vẫn giữ được nét yên bình với những góc phố nhỏ, những con đường rợp bóng cây xanh. Đặc biệt, hình ảnh cầu Ka Long nối liền hai bên bờ sông Ka Long vẫn giữ được nét cổ kính đã tô điểm thêm cho sự bình yên của thành phố nơi địa đầu vùng Đông Bắc Tổ Quốc.
Hải Ninh