TP Móng Cái

Cây Cam Cao Phong trên đất Quảng Nghĩa

13/02/2017 15:18
Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, TP Móng Cái đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, việc phát triển các hình thức sản xuất để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân là một trong những vấn đề mấu chốt được đặc biệt quan tâm. Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại địa bàn xã Quảng Nghĩa- một xã cửa ngõ, xa trung tâm thành phố- là một trong những cách làm hay của TP Móng Cái.

 

Năm 2016, gia đình ông Phạm Văn Đỗ ở thôn 3 xã Quảng Nghĩa đầu tư trồng mới 1.500 cây Cam Cao Phong trên diện tích 2,5 hecta. Thực hiện đúng quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tới nay, toàn bộ vườn cây của ông Đỗ đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ông vui vẻ cho biết: Gia đình tôi nhập giống cây Cam này từ Viện giống cây trồng Trung ương. Toàn bộ vườn cây và các công trình phụ trợ có tổng giá trị đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, rất may mắn cho gia đình là đã có sự hỗ trợ 50% từ nguồn vốn nông thôn mới nên gia đình chỉ bỏ vốn khoảng 200 triệu. Chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm tin tưởng vụ này sẽ thắng lợi lớn.

Ông Phạm Văn Đỗ  (ảnh phải) bên vườn cam của gia đình 

Ông Lương Tiến Dũng- Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa phấn khởi cho biết: Vườn Cam của gia đình ông Đỗ nằm trong diện tích 8ha quy hoạch trồng Cam ngọt thuộc Quy hoạch vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030 của xã. Trong toàn bộ vùng này, bà con nông dân được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước do vậy bà con rất phấn khởi, hào hứng thực hiện. Trên thực tế, việc trồng cam ở Quảng Nghĩa đã cho nhiều giá trị kinh tế cao, do đó, việc tiếp tục phát triển vùng trồng cam với sự hỗ trợ, định hướng từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ sẽ khiến nhân dân yên tâm sản xuất, phấn đấu nâng cao thu nhập đạt bình quân 35 triệu đồng/ người/ năm.

Loại Cam giàu giá trị dinh dưỡng. Nguồn: Internet

Nhìn những vườn Cam xanh mướt mắt, được sử dụng hệ thống tưới tự động công nghệ cao do Nhà nước hỗ trợ đầu tư mới thấy bà con nông dân vui biết bao khi được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Được biết, giống Cam Cao Phong này có thể cho thu hoạch quả khoảng 15 năm, nghĩa là bà con Quảng Nghĩa sẽ thu lãi ròng tới 15 lần khi chỉ đầu tư một lần giống. Xa hơn, Cam Quảng Nghĩa tới nay sẽ là một sản phẩm đặc trưng cho nông nghiệp nông thôn (OCOP) của Móng Cái và Quảng Ninh. Một cơ hội mới cho vùng đất Quảng Nghĩa- vùng nông nghiệp vốn khó khăn, xa trung tâm TP Móng Cái tới 15km.

Quảng Nghĩa hiện sử dụng hệ thống phun tưới tự động công nghệ cao

Đây không chỉ là kết quả từ chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà đó còn là sự khẳng định tính đúng đắn, thực tế, sát địa bàn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP Móng Cái về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm  “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Trong đó, phát triển hình thức sản xuất nông nghiệp tập trung nâng cao thu nhập cho nông dân chính là vấn đề mấu chốt tạo đà thắng lợi vững chắc cho chương trình này.

Ông Lương Tiến Dũng- Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa cho biết thêm: Đến hết năm 2016 xã Quảng Nghĩa chúng tôi đã hoàn thành toàn diện 19/19 tiêu chí, 39/39 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và các tiêu chí Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh. Cùng với vùng sản xuất 8 hecta Cam ngọt, Quảng Nghĩa đã mạnh dạn thành lập 02 Tổ HTX sản xuất và 06 tổ hợp tác thu gom rác thải, bao gồm: 01 tổ hợp tác chăn nuôi lợn Móng Cái thương phẩm tại thôn 5 với 03 tổ viên, 01 tổ hợp tác trồng Cam ngọt, 02 trang trại chăn nuôi. Thời gian qua, các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống của các tổ viên….

Nhìn từ cách làm của xã Quảng Nghĩa, có thể thấy, Móng Cái đang nỗ lực thực hiện có chiều sâu, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lấy việc phát triển các hình thức sản xuất để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân làm nhiệm vụ trọng tâm và động lực để bà con tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đây được đánh giá là cách làm hiệu quả cần nhân rộng trong bối cảnh địa phương tập trung phát triển thương mại- dịch vụ gắn với phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nâng cao vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thu Hằng
Đài TT-TH
Loading...