Chặn đà tăng của chi thường xuyên

10/10/2017 14:28
Từ nay đến năm 2020, ngân sách nhà nước đối mặt với nhiều thách thức vì tăng trưởng khó khăn ảnh hưởng đến nguồn thu trong khi chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cảnh báo, phải chặn đà tăng trưởng của chi thường xuyên, nếu không ngân sách sẽ không đáp ứng được trong 5 - 7 năm nữa.

Chi ngân sách chiếm gần 30% GDP

Khi minh bạch tài khóa được bảo đảm,

những chính sách không bền vững, gây

lãng phí về tài khóa sẽ dễ dàng bị phát

hiện và xử lý, qua đó góp phần tăng

cường hiệu quả quản lý tài chính công.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và

Chính sách tài chính Trương Bá Tuấn

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tuy vẫn tích cực nhưng đã chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tỷ lệ thu ngân sách so với GDP đã giảm từ 26,3% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,6% trong giai đoạn 2011-2015. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu và các khoản thu về đất. Trong khi đó, tỷ trọng chi NSNN so với GDP là không thay đổi chiếm gần 30% GDP.

Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cũng cho rằng, chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương. Cơ cấu chi có thay đổi nhưng đáng tiếc lại theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011-2015 so với 63:37 của thời kỳ 2006-2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay. Quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng công chức, viên chức, đặc biệt ở địa phương, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số. “Mặc dù so sánh quốc tế cho thấy tỷ lệ chi lương cho công chức, viên chức của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy cần phải thận trọng”, báo cáo nhận xét.

 Nguồn: ITN

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Kèm theo đó, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Rà soát các khoản chi thường xuyên

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cảnh báo, phải chặn đà tăng trưởng của chi thường xuyên, nếu cứ chạy theo chi thường xuyên như thế này thì ngân sách sẽ không đáp ứng được trong khoảng 5 - 7 năm nữa. “Để bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta đã chi những khoản rất lớn, ngân sách không đáp ứng được cho nên phải rà soát, sắp xếp các khoản chi này”, ông nhấn mạnh. Báo cáo Đánh giá chi tiêu công của Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều cơ hội để nâng cao hiệu suất chi tiêu, thông qua việc tinh giản, cơ cấu lại bộ máy của khu vực công và giảm các chi phí đầu vào khác trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế như giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, nông nghiệp và giao thông.

Về nuôi dưỡng nguồn thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trong khi Nhà nước miệt mài miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng chi phí chính thức và không chính thức ngày càng cao đã làm giảm tích lũy của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp không còn khả năng để đầu tư cho phát triển công nghệ, tăng năng suất lao động… từ đó ảnh hưởng trở lại đến nguồn thu ngân sách.

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nguồn thu từ tài nguyên, đất đai, thuế nhập khẩu đang có xu hướng giảm, cơ cấu lại ngân sách phải được giải quyết hài hòa cả ở mặt thu và chi. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính Trương Bá Tuấn cho rằng, Việt Nam cần phải hướng đến việc xây dựng một cơ cấu chi ngân sách phù hợp hơn, gắn chi ngân sách với các định hướng phát triển trung và dài hạn, khắc phục tình trạng phân tán trong phân bổ nguồn lực tài chính công. Trong đó, việc xác định “thứ tự ưu tiên” trong phân bổ nguồn lực phải được xem là yếu tố cốt lõi để góp phần nâng cao kỷ luật tài khóa, củng cố bền vững ngân sách. Thực hiện chuyển dần từ việc lập dự toán, phân bổ dự toán ngân sách cho cơ quan theo yếu tố đầu vào sang lập, phân bổ ngân sách gắn với kết quả và hiệu quả công việc theo Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội Nguyễn Thành Long, Việt Nam cần phải cơ cấu lại, phát huy được vai trò của các sắc thuế, đồng thời chủ động nghiên cứu và đưa vào áp dụng các sắc thuế, các khoản thu mới phù hợp với xu hướng quốc tế. Đồng quan điểm, ông Trương Bá Tuấn cho rằng, cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, tăng cường năng lực của cơ quan thuế trong xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển giá, hạn chế gian lận về thuế.

daibieunhandan.vn
Loading...