Chi bộ Tòa án nhân dân thành phố Móng Cái tổ chức sinh hoạt chính trị và dâng hương tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trần Phú

06/05/2024 10:41
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024) - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, ngày 6/5, Chi bộ Tòa án nhân dân thành phố Móng Cái tổ chức sinh hoạt chính trị và dâng hương tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Di tích đồi Trần Phú thuộc địa phận phường Hải Hoà (Móng Cái) là một trong những di tích lịch sử nằm trong quần thể di sản văn hoá của TP Móng Cái. Với diện tích 3.000m2, nằm sát bờ sông biên giới, đồi Trần Phú (trước đây có tên là đồi Hoả Thiêu Lĩnh), nơi ghi dấu đoàn công tác của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú xuất dương sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng ngày 11-7-1926. Đây là mốc lịch sử gắn với sự kiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Năm 1963, di tích đồi Trần Phú đã được đoàn khảo sát của Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam đến nghiên cứu, tìm hiểu. Khi đó đồi Hoả Thiêu Lĩnh đã được đoàn đổi thành tên là đồi Trần Phú. Trên đỉnh đồi đặt một tấm bia ghi lại sự kiện đoàn xuất dương của đồng chí Trần Phú dừng chân nơi này.

Ngày 17-9-2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 2339/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử đồi Trần Phú. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định các giá trị văn hoá, lịch sử của đồi Trần Phú, đồng thời cũng là căn cứ để bảo tồn, phát huy những giá trị của di tích.

Cán bộ đảng viên Chi bộ Tòa án nhân dân TP Móng Cái dâng hương tại Đồi Trần Phú 
Đồng chí Đỗ Thị Hương Lan - Phó Bí thư chi bộ- Phó Chánh án Toà án nhân dân thành phố Móng Cái thuyết minh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú 

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Quê hương của đồng chí là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.

Sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước nổi tiếng và trở thành một chiến sỹ cộng sản chân chính, tháng 7 năm 1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930, Luận cương Chính trị được thông qua, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung của Đảng và vai trò của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 19 tháng 4 năm 1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt và bị tra tấn dã man. Ngày 6 tháng 9 năm 1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27 tại Phòng biệt giam A3 của Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) để lại niềm cảm phục, tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào. Lời căn dặn cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn là lời nhắc nhở, là “kim chỉ nam” cho mỗi đảng viên, trong mọi hoàn cảnh, phải cống hiến thật nhiều cho Đảng, cho nhân dân, đất nước.

Đồng chí Vũ Thị Thanh Phương, Bí thư Chi bộ, Chánh án Tòa án nhân dân TP Móng Cái điều hành sinh hoạt Chi bộ thường kỳ tháng 5/2024 

Việc tổ chức sinh hoạt chính trị cho cán bộ đảng viên và dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trần Phú là hoạt động ý nghĩa của Chi bộ Tòa án nhân dân thành phố Móng Cái, góp phần tiếp tục  làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú và những phẩm chất và hành động mang tính hiệu triệu cho thế hệ trẻ các thời kỳ, từ đó tiếp thêm động lực để các đảng viên luôn trau dồi đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao.

Thu Hằng - Nguyễn Đức
Trung tâm TTVH
Loading...