Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội” và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, TP Móng Cái đã tập trung quán triệt, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đồng thời, Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành kịp thời các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện, như Chương trình hành động số 27 CTr/TU ngày 30/9/2022 của Thành ủy Móng Cái về thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch 294/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND Thành phố về triển khai Kế hoạch 244/KH-UBND ngày 22/10/2022 của UBND Tỉnh, Công văn số 1336-CV/TU ngày 30/8/2023 của ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái về cường công tác kiểm tra giám sát công tác triển khai thực hiện, sử dụng vốn vay của người dân, .... Theo đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các phòng, ban, ngành, Phòng Giao dịch NHCSXH Thành phố và chính quyền địa phương, các Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp theo chức trách thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn toàn Thành phố. Hàng năm có tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng trọng tâm chỉ đạo thực hiện cho năm tiếp theo.
Những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ đó đã làm chuyển biến một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Sau 10 năm năm thực hiện Chị thị 40-CT/TW, với việc nhận thức rõ về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy chính quyền các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội để hoạt động của NHCSXH đạt hiệu quả cao hơn; Bên cạnh đó, là sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp xã như: tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm giao dịch tại xã, công tác an ninh trong những ngày giao dịch tại xã được hỗ trợ, tăng cường để đảm bảo an toàn tuyệt đối; hàng tháng đưa nội dung quản lý, chỉ đạo việc triển khai; đánh giá kết quả thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội vào kế hoạch, chương trình công tác của xã; tích cực đôn đốc các ngành, UBMTTQ, đơn vị nhận ủy thác của xã, phường triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn từ công tác tuyên truyền, vận động; điều tra, rà soát các đối tượng chính sách theo quy định; bình xét cho vay; kiểm tra giám sát; đôn đốc xử lý thu hồi nợ xấu; ... do đó nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại tất cả các thôn, khu, đặc biệt tại những xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo phát huy được hiệu quả vốn vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên..... Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 17 xã, phường, 94/100 thôn, khu trong toàn Thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến 31/3/2024 đạt 368.010 triệu đồng (chiếm 99,87% tổng dư nợ) với 6.279 hộ vay tại 156 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 221.720 triệu đồng (tăng 160,3%) so với cuối năm 2014. Nợ xấu 423 triệu đồng tăng 299 triệu đồng so với năm 2014, trong đó quá hạn tăng 56 triệu đồng so với năm 2014. Nợ khoanh tăng 243 triệu đồng so với năm 2014.
Đồng chí Trần Hồng Khiết, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, cho biết: “Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương; UBND Thành phố đã chỉ đạo NHCSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường và từ các thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đồng thời, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.
Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người thụ hưởng, phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập được 156 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ ở hầu hết các thôn, khu phố. Mỗi xã, phường bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm...phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi, đã khiến hoạt động tín dụng chính sách là “điểm tựa” cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn đạt 412.015 triệu đồng, tăng 266.587 triệu đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,6%/năm.
“Với nhiều cách làm linh hoạt, Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị-xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tuợng chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên…. Từ đó tác động tích cực, nâng cao đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Chính phủ.