Chính phủ Nga muốn gì khi đuổi 755 nhân viên ngoại giao Mỹ về nước?

31/07/2017 08:57
Ngay cả sau khi đã công bố hành động đáp trả mạnh mẽ chống lại Mỹ, Tổng thống Putin vẫn khẳng định ông luôn hy vọng quan hệ Nga Mỹ sẽ cải thiện.

 

Chính phủ Nga muốn gì khi đuổi 755 nhân viên ngoại giao Mỹ về nước?

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Talon News

Trong ngày Chủ Nhật, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ đề nghị phía Mỹ triệu hồi khoảng 755 nhân viên ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc tại Nga về nước. 

Động thái này là để đáp trả lại các lệnh trừng phạt mà phía Mỹ mới công bố chống lại Nga, căng thẳng quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ được dự báo sẽ leo thang trong thời gian tới, theo khẳng định được New York Times đưa ra.

Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Khoảng hơn 1.000 nhân viên ngoại giao Mỹ bao gồm các nhà ngoại giao và những người hỗ trợ kỹ thuật sẽ tiếp tục làm việc tại Nga. Tuy nhiên 755 người khác sẽ buộc phải ngừng làm việc và trở về nước”.

Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã chính thức chấp thuận cho việc mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Ngay lập tức vào ngày thứ Sáu, chính phủ Nga công bố về kế hoạch đuổi số lượng lớn các nhân viên ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc tại nước này, giảm tổng số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ xuống còn 455. Nhưng đến ngày Chủ Nhật, một con số khác lại được đưa ra. 

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định chính phủ Nga đã mất kiên nhẫn trong mối quan hệ ngoại giao với Mỹ: “Chúng tôi đã chờ đợi với hy vọng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn, thế nhưng nhìn từ mọi góc độ, chưa có gì sáng sủa hơn cả.”

Ban đầu khi thông báo về việc Mỹ phải triệu hồi nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga về nước, Nga đã nhắc đến con số 455, tương đương với số nhân viên ngoại giao Nga hiện đang làm việc tại Mỹ. Thế nhưng sau đó đến ngày Chủ Nhật, con số đó lại được điều chỉnh thành 755. New York Times khẳng định hiện chưa thể biết cuối cùng Nga thực sự muốn Mỹ triệu hồi bao nhiêu nhân viên ngoại giao về, nhưng chắc chắn con số đó không nhỏ.

Tổng thống Putin khẳng định Nga còn nhiều cách khác để đáp trả Mỹ, thế nhưng ở hiện tại, Nga chưa muốn nói cụ thể đến những biện pháp đó. 

Đến hiện tại, phía chính phủ Nga bị cáo buộc đã có những biện pháp can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, trong đó phải kể đến nghi vấn tấn công tin tặc vào email của bà Hillary Clinton. 

Quốc hội Mỹ hiện cũng đang điều tra về khả năng những người thuộc chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống cho ông Donald Trump trước đây có câu kết với phía Nga. Con trai lớn của Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận từng gặp gỡ một luật sư Nga có quan hệ với chính phủ Nga và họ có bàn đến việc giỡ bỏ đi một số biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Cho đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ hoàn toàn cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ, ông khẳng định tâm lý chống Nga tại Mỹ đã bị lạm dụng để tạo ra cuộc chiến chính trị trong lòng nước Mỹ.

Ngày thứ Sáu tuần trước, Nhà Trắng chính thức công bố Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức ký thông qua luật mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. 

Tháng Mười hai năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga, đóng cửa hai lãnh sự quán tại Maryland và Long Island. Ở thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không phản ứng lại bởi tuyên bố ông muốn chờ đợi quan hệ Nga Mỹ cải thiện.

Ngay cả sau khi đã công bố hành động đáp trả mạnh mẽ chống lại Mỹ, Tổng thống Putin vẫn khẳng định ông luôn hy vọng quan hệ Nga Mỹ sẽ cải thiện. Ông nhấn mạnh Mỹ và Nga đã từng hợp tác để cùng xây dựng các khu vực an toàn tại Syria và rằng Mỹ và Nga có lịch sử hợp tác dài trong các dự án về năng lượng. 

Theo thông báo ban đầu từ Bộ Ngoại giao Nga, nếu chính phủ Mỹ đáp trả lại lệnh yêu cầu trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ mà Nga mới đưa ra, Nga sẽ không “kém cạnh”.

Luật mà chính phủ Mỹ mới thông qua cuối tuần qua sẽ càng mở rộng hơn các biện pháp trừng phạt Nga sau khi chính phủ Mỹ công bố trừng phạt Nga lần gần nhất vào năm 2014 sau khi Nga chiếm đóng Crimea và gây bất ổn tại Ukraina. 

Các lệnh trừng phạt đặt mục tiêu giảm sự tham gia của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng và đồng thời hạn chế Nga tiếp cận với thị trường tài chính phương Tây. Trả đũa lại Mỹ, chính phủ Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây. 

bizlive.vn
Loading...