Chủ động phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai

Chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống

15/05/2017 08:26
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, năm 2017 mùa mưa bão đến sớm với diễn biến phức tạp, bất thường. Do đó, ngay từ những tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Trồng dặm bổ sung diện tích rừng ngập mặn bị chết, Dự án “Gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê thôn 1”, thuộc xã Hải Đông (TP Móng Cái).
Trồng dặm bổ sung diện tích rừng ngập mặn bị chết, Dự án “Gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê thôn 1”, thuộc xã Hải Đông (TP Móng Cái).

Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Với chiều dài bờ biển khoảng 250km kéo dài từ Uông Bí đến Móng Cái, các vùng ven biển của tỉnh luôn tiềm ẩn bão tố gây thiệt hại khó lường. Trung bình hằng năm, từ tháng 7 đến tháng 9 có 4-6 cơn bão có sức gió từ cấp 8-10, trực tiếp đổ bộ vào bờ biển Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn chịu ảnh hưởng của 3-4 cơn bão đổ bộ vào bờ biển Trung Quốc. Những cơn bão này thường gây mưa to, nước dâng, gây khó khăn cho công tác bảo vệ đê biển, công trình phục vụ sản xuất, nhất là những khi có triều cường. Vì vậy, các cánh rừng ngập mặn giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, là bức tường xanh bảo vệ đê điều, đồng ruộng trước sự tàn phá của gió, bão và nước biển dâng. Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng diện tích rừng ngập mặn trong tỉnh ngày càng bị suy giảm về diện tích và chất lượng. Những cánh rừng già gần như không còn. Nguyên nhân là do một số nơi phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm, cua, cá; một số nơi lấn biển để lấy đất làm nhà, xây dựng khu du lịch; có nơi trồng rừng mới để chắn sóng biển. Hiện trong 23.390ha rừng ngập mặn mới có gần 2.000ha đạt tiêu chuẩn thành rừng với mật độ trên 2.500 cây/ha (đạt tỷ lệ 10%).

Nhằm gìn giữ và phát triển thảm thực vật xanh vùng ven biển, tạo bức tường thiên nhiên bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy nhanh thực hiện các dự án khôi phục và phát triển rừng ngập mặn. Điển hình như Dự án “Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020” (thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC trên toàn quốc). Với tổng kinh phí 92 tỷ đồng, Dự án sẽ trồng mới 510ha rừng phòng hộ, cải tạo, phục hồi 934ha rừng chất lượng kém tại các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái. Đến thời điểm này, Dự án đã trồng mới được 300ha và cải tạo, phục hồi khoảng 700ha rừng kém chất lượng. Tại TP Móng Cái, để khắc phục hiện tượng sạt lở, gây nguy hiểm đối với đời sống người dân ở một số tuyến đê, Sở NN&PTNT đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đối với Dự án “Gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê thôn 1”. Hiện dự án này đã trồng gần 70ha, tạo đai rừng, bảo vệ 1,5km đê thôn 1 (xã Hải Đông).

Ông  Bùi Xuân Hiển, Giám đốc BQL dự án trồng rừng Việt - Đức (Sở NN&PTNT), cho biết: Để tăng tỷ lệ sống cho rừng, thay vì trồng trụ mầm, tiêu chuẩn cây giống của các dự án này sẽ là các cây đước vòi, cây trang với tuổi cây giống từ 16-18 tháng, đảm bảo các dự án đều có tỷ lệ cây sống tối thiểu 50% thay vì 30% so với các dự án trước đây. Cùng với đẩy nhanh tiến độ các dự án này, Sở đang tích cực chuẩn bị các bước đầu tư cho Dự án “Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển”. Dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh). Dự án có tới 4 hợp phần, trồng mới và phục hồi 15.000ha rừng thuộc các vùng bãi triều của 57 xã/7 địa phương. Dự kiến đến năm 2020, các dự án trên sẽ góp phần nâng độ che phủ của rừng toàn tỉnh ổn định ở mức 60-70%, mang lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho người dân.

Tập trung củng cố những vùng xung yếu

Theo kịch bản nước biển dâng ở Quảng Ninh do Bộ TN&MT công bố năm 2012, đến năm 2020 mực nước biển sẽ dâng thêm 7-8cm, đến năm 2030 dâng 11-12cm, chủ yếu tập trung tại dải đất ven biển từ huyện Tiên Yên đến TP Móng Cái và một số những vùng đất thấp trũng khác thuộc các địa phương TX Quảng Yên, TP Uông Bí. Để chủ động phòng, chống lụt bão năm 2017, với vai trò là cơ quan thường trực PCTT&TKCN tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổng kiểm tra toàn bộ các công trình thuỷ lợi, tuyến đê, kè, cống trên địa bàn. Qua kiểm tra, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các công ty TNHH MTV thuỷ lợi, trung tâm thuỷ nông chủ động xây dựng phương án vận hành an toàn hồ chứa; tăng cường quản lý đến các cụm, trạm; kiểm tra việc nạo vét, khơi thông cống rãnh và nhanh chóng khắc phục, sửa chữa những hư hỏng ở một số điểm xung yếu, như: Đập Suối Hòn, Chân Trục, Đồng Bống (TP Uông Bí); hồ Lòng Dinh (huyện Vân Đồn); hồ chứa nước Khe Mười (huyện Bình Liêu). Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đê lớn Quảng Yên - Yên Giang (TX Quảng Yên), Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Hải Xuân (TP Móng Cái)...

Để chủ động phòng ngừa và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, việc đánh giá thực trạng và chủ động có phương án bảo vệ các vùng trọng điểm trong công tác phòng chống lụt bão luôn là nhiệm vụ quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện trước mùa mưa bão hằng năm. Đầu tháng 4 vừa qua, ngành đã hoàn thiện xây dựng phương án cho 5 vùng trọng điểm chống lụt bão năm 2017, bao gồm: Vùng đê Hà Nam (TX Quảng Yên); khu vực dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; dân cư và tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; vùng đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều) và hồ chứa nước Yên Lập (TP Hạ Long). Tại 5 vùng trọng điểm chống lụt bão này, Sở đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp với từng khu vực; có phương án di dân tại chỗ, phương án di dân đi nơi khác; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và vật tư; dự kiến một số tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, phổ biến kế hoạch, phương án đến từng người dân để nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, không chủ quan, không coi thường, biết cách phòng, chống lũ, lụt và thiên tai để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình.

Với quyết tâm và những nỗ lực, sự chủ động sẵn sàng trong mọi tình huống, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ góp phần giữ an toàn cho các công trình thuỷ lợi, đê điều, diện tích sản xuất của người dân, từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trong mùa mưa bão 2017.

baoquangninh.com.vn
Loading...