Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Chủ tịch tỉnh đóng vai trò quyết định

15/11/2018 07:56
Mới chỉ 30% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi mang tính thực chất. Đây là thông tin tại hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 14.11. Rõ ràng, cải cách vẫn cần thực hiện liên tục, và “chủ tịch tỉnh đóng vai trò quyết định trong việc thực thi, cán bộ nào gây khó khăn cho doanh nghiệp phải thay thế ngay”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.

Rào cản vẫn còn phổ biến

“Năm ngoái, lần đầu tiên CIEM tổ chức hội thảo điều kiện kinh doanh, trong đó tôi có trình bày báo cáo đánh giá về điều kiện kinh doanh. Năm nay, CIEM tiếp tục hội thảo về chủ đề này. Mọi thứ vẫn như cũ”. Lời mào đầu của Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu trước phần báo cáo điều kiện kinh doanh năm 2018 đã phần nào cho thấy bức tranh cải cách năm nay, dù hạn chót Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã qua ngót nghét nửa tháng.

Ông Hiếu thừa nhận, “đánh giá về điều kiện kinh doanh thế nào là một thách thức không nhỏ!”. Theo kết quả rà soát của CIEM dựa trên 36 nghị định mới ban hành trong năm nay và 88 nghị định được sửa đổi, bổ sung, thay thế trước đó để biết điều kiện nào được bãi bỏ, sửa đổi hay thay thế, ban hành mới cho thấy: Tính đến ngày 14.11.2018, có 2.204 điều kiện kinh doanh trong các văn bản hiện trạng. Trong đó, có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, chiếm 24,59%; 771 điều kiện được bãi bỏ, chiếm 34,98; có 29 điều kiện mới ban hành, chiếm 1,32%... Trong tổng số 771 điều kiện bãi bỏ, mức độ tác động tới doanh nghiệp khác nhau. Theo đó, có những điều kiện hầu như không tác động, chẳng hạn: Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “phải được thành lập theo quy định của pháp luật”. Song có những quy định tác động rất lớn, như “phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu”.


Nhiều điều kiện liên quan kinh doanh xăng dầu đã được bãi bỏ, sửa đổi

Đáng chú ý, “điều rất đáng quan ngại là trong khi các bộ, ngành nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh thì lại có nghị định mới đi ngược lại, chẳng hạn Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (ban hành theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - PV), yêu cầu có ít nhất 10 kiểm định viên trong khi Bộ Xây dựng đã giảm yêu cầu từ 10 người xuống còn 1 người”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM Nguyễn Minh Thảo bổ sung, kết quả khảo sát điều kiện kinh doanh tại 4 bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Thông tin - Truyền thông và Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trung bình chỉ có 30% điều kiện kinh doanh được sửa đổi, cắt bỏ mang tính thực chất. “Rào cản điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến. Nhiều điều kiện được lồng ghép trong quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn tình trạng mới nhằm tránh gây sự chú ý chứ chưa thực sự có ý nghĩa cải cách, như quy định “người quản lý, điều hành… có giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm định thực vật thuộc Bộ NN - PTNT cấp”, được sửa thành “người quản lý, điều hành… có giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật”, trong khi bản chất thì cơ quan cấp giấy chứng nhận vẫn thuộc Bộ NN - PTNT”, bà Thảo cho hay.

Phải chuẩn hóa điều kiện kinh doanh

Không thể phủ nhận nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành trong thời gian qua song thực tế cho thấy, việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh “không hề đơn giản”, đúng như xác nhận của Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn. “Khá nhiều văn bản pháp luật dù có thay đổi nhưng chưa thay đổi phương thức quản lý. Tôi đi một số tỉnh, thấy rằng ở Sở Công thương cũng không tin là đã bãi bỏ quy định liên quan kinh doanh xăng dầu, bởi họ đang rất có quyền quyết định cây xăng này ở chỗ này hay ở chỗ kia, tức là quyền này đã hằn sâu trong nếp nghĩ, thói quen của họ”, ông Tuấn nói.

Từ thực tế trên, đại diện VCCI cho rằng, trước hết, các cơ quan “gác cổng” cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cần hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Bởi “phần lớn các bộ, ngành trình văn bản ra Chính phủ chỉ cần trả lời 2 câu hỏi: Một là có lấy quyền gì của bộ mình không? Hai là có giao cho bộ mình nghĩa vụ gì không? Tức là dấu ấn của bộ, cơ quan chuyên môn vẫn còn đậm nét trong việc ban hành quy định. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa điều kiện kinh doanh bởi hiện, dù có tác động lớn đối với xã hội và doanh nghiệp song điều kiện kinh doanh vẫn chưa theo chuẩn mực nào”, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị.

Với 30% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ mang tính thực chất, tức là có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng “việc cải cách vẫn cần liên tục và nhất quán”. Ông cũng nhấn mạnh, tác động của việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp còn phụ thuộc vào cách thức thực hiện ở các cấp địa phương. Theo đó, “chủ tịch tỉnh, thành phố đóng vai trò quyết định, vì đòi hỏi của cải cách là phải thay đổi tư duy, thái độ và cách thức làm việc của công chức thực thi. Tức chủ tịch tỉnh phải có đánh giá, rà soát, nghe ngóng xem cán bộ công chức ở sở nào có hành vi gây phiền hà cho doanh nghiệp thì cán bộ đó phải bị thay thế”, ông Cung nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần sâu sát hơn trong việc cải cách điều kiện kinh doanh, thay vì thụ động chờ đợi từ phía cơ quan quản lý. Mặt khác, cần có cơ quan độc lập đánh giá tác động của các quy định về điều kiện kinh doanh để bảo đảm hạn chế tối đa rào cản từ các điều kiện này gây ra cho doanh nghiệp.

daibieunhandan.vn
Loading...