Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch trên địa bàn

23/06/2017 10:09
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thủy vừa ký ban hành Văn bản số 4525/UBND-DL1 về việc tăng cường quản lý hoạt động phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động dịch vụ du lịch và hoạt động của các cơ sở bán hàng, đơn vị lữ hành phục vụ khách du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quyết định việc tạm dừng hoặc cho phép các cơ sở bán hàng tiếp tục hoạt động.

Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra quầy bán hàng lưu niệm tại khu vực nhà chờ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu

Trong thời gian gần đây, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã quyết liệt trong công tác chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch, trong đó có việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở bán hàng dành cho khách du lịch nước ngoài, tình hình hoạt động kinh doanh lữ hành đã đi vào ổn định, không còn tình trạng chèo kéo, ép khách du lịch vào các điểm mua sắm, giá tour đã phản ánh đúng chất lượng dịch vụ cung cấp cho du khách. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng cho khách du lịch vẫn còn tiểm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường du lịch; dẫn đến sự “tiếp tay” cho một số doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên cùng với các đối tác nước ngoài bán tour dưới giá thành, lấy tiền từ dịch vụ mua sắm của các cơ sở bán hàng có hành vi lừa đảo khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc, lấy lãi suất cao gấp nhiều lần so với giá trị thật của hàng hóa để bù đắp cho các dịch vụ trong chương trình, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh du lịch của địa phương và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.

Để tiếp tục thực hiện việc quản lý tốt hoạt động lữ hành và hoạt động của các cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động bán hàng phục vụ khách du lịch, đặc biệt khi xem xét các điều kiện để cấp phép hoạt động, cấp phép kinh doanh, công nhận điểm mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, chất lượng, giá cả hàng hóa; phương thức thanh toán; việc thực hiện chi trả hoa hồng, chiết khấu theo quy định của luật. Người lao động làm công tác quản lý, nhân viên giao dịch trực tiếp với khách phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ du lịch và có trình độ ngoại ngữ phù hợp. Người nước ngoài làm việc tại các cơ sở kinh doanh mua sắm phải đáp ứng các yêu cầu theo pháp luật Việt Nam và có văn bản chấp thuận sử dụng lao động người nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Sở Du lịch cùng các sở, ngành chức năng phối hợp với UBND các địa phương thống nhất từng biện pháp cụ thể để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các đơn vị lữ hành và các cơ sở bán hàng dành cho khách du lịch; kiên quyết xử lý các hành vi gây tổn hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và hình ảnh du lịch địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Sở Du lịch chịu trách nhiệm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch vi phạm việc đưa khách đến các điểm mua sắm không nằm trong chương trình du lịch, đưa khách vào các cơ sở bán hàng đang bị dừng hoạt động hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động; các công ty lữ hành bán tour dưới giá thành; các công ty lữ hành mua bán tư cách pháp nhân đón khách du lịch.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động dịch vụ du lịch và hoạt động của các cơ sở bán hàng, đơn vị lữ hành phục vụ khách du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quyết định việc tạm dừng hoặc cho phép các cơ sở bán hàng tiếp tục hoạt động. Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm đối với việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ hộ kinh doanh đối với lĩnh vực du lịch; hướng dẫn các doanh nghiệp/ hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh; cương quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ hộ kinh doanh nếu phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý thuế, quản lý hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; thường xuyên khảo sát, xác minh các dấu hiệu bất thường trong kê khai thuế của các lĩnh vực kinh doanh, cơ sở kinh doanh, để đưa vào diện quản lý rủi ro thuế cao; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, hộ cá nhân triển khai phần mềm quản lý hóa đơn điện tử, máy tính tiền, phần mềm bán hàng… Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại tuân thủ nghiêm các quy định về mở và quản lý tài khoản, dịch vụ thanh toán, thẻ ngân hàng, thiết bị chấp nhận thẻ (POS), quản lý ngoại hối trong hoạt động thanh toán./.

quangninh.gov.vn
Loading...