Chú trọng an toàn thực phẩm của sản phẩm OCOP

12/05/2017 10:03
Được triển khai từ năm 2014, đến nay sau 3 năm, toàn tỉnh có 180 doanh nghiệp tham gia vào chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), sản xuất và đưa ra thị trường trên 200 sản phẩm các loại. Trong số đó, có khoảng 60% là các sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Vì vậy, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm OCOP là tiêu chí đặc biệt quan trọng để khẳng định giá trị của chương trình này.

 

Người dân quan tâm, tìm hiểu thông tin về ATTP của các sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP Xuân 2017.
Người dân quan tâm, tìm hiểu thông tin về ATTP của các sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP Xuân 2017.

Để đảm bảo tính quy củ và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho chương trình và các sản phẩm OCOP, tỉnh đã xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh; ban hành chu trình chuẩn OCOP và Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm chương trình OCOP Quảng Ninh. Trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành áp dụng cho các nhóm ngành, hàng. Riêng với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản phải chấp hành các quy định của Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm... Tuy nhiên, theo thống kê nhanh của Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN&PTNT), hiện mới có 121/hơn 200 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP tham gia đánh giá và phân hạng. Sau đánh giá phân hạng, chỉ có 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao; 39 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận. Trong số 100 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản mới có 68 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP hoặc cam kết sản xuất ATTP; còn 32 sản phẩm phải hướng dẫn cơ sở hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP hoặc cam kết đảm bảo ATTP.

Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, trong số 108 sản phẩm OCOP là thực phẩm thì có 83 thực phẩm thuộc danh mục sản phẩm phải công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp về ATTP. Nhưng thực tế, hiện mới có 11 sản phẩm thuộc nhóm dược phẩm, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy công bố hợp quy và 22 sản phẩm do tỉnh quản lý được cấp giấy chứng nhận hợp quy hoặc phù hợp quy định về ATTP. Đó quả thực vẫn là con số “khiêm tốn”, chưa xứng tầm với ý nghĩa và chất lượng của chương trình OCOP đang được triển khai. Vì vậy, nâng cao quy chuẩn chất lượng sản xuất, kinh doanh cùng với đảm bảo tuyệt đối về ATTP cho các sản phẩm OCOP là việc đang được tỉnh hết sức quan tâm, chú trọng.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Ban Điều hành OCOP tỉnh, cho biết: Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing, truyền thông, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, các cơ quan chức năng, trong đó trực tiếp nhất là các địa phương, cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền các văn bản pháp luật về ATTP đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm OCOP và người tiêu dùng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động trong hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP; tổ chức ký cam kết sản xuất ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; đề nghị được cấp giấy công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định ATTP... Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, tái thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, hy vọng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP sẽ đi đầu trong việc chấp hành các quy định về ATTP. Có vậy, OCOP mới có thể tiếp tục phát huy được thành công, khẳng định được giá trị và phát triển mạnh mẽ, bền vững, đem lại lợi ích cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ninh.

baoquangninh.com.vn
Loading...