Chương trình "chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới": Sự trợ lực ý nghĩa, thiết thực

23/02/2016 08:48
Từ tháng 10-2014 đến tháng 8-2015, Móng Cái là một trong 4 địa phương được ngành nông nghiệp phối hợp với Ban Chỉ đạo chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” của tỉnh tổ chức trao tặng 1.431 con bò giống cho người nghèo biên giới với 61 con bò cái.
Người dân thôn Tân Đức, xã Quảng Đức, Hải Hà chăm sóc đàn bò chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới.
Người dân thôn Tân Đức, xã Quảng Đức, Hải Hà chăm sóc đàn bò chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới.

Cùng với sự quan tâm, đồng hành của Ban Chỉ đạo chương trình, đa số người dân được trao tặng bò cũng đã nỗ lực trong việc chăm sóc đàn bò phát triển tốt. Bà Đỗ Thị Luyến, thôn Tân Đức, xã Quảng Đức, Hải Hà - một trong số những hộ được trao tặng bò cho biết: Được Đảng, Nhà nước quan tâm trao tặng bò, gia đình chúng tôi biết ơn lắm. Gia đình cũng được hỗ trợ tiền làm chuồng, được cán bộ thú y hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng đúng lịch, đặc biệt là cách phòng chống rét cho bò nên con bò của gia đình tôi nay đang phát triển rất tốt. Bên cạnh chăn thả bò vào rừng cùng với đàn bò của 9 hộ khác trong thôn, gia đình tôi cũng đã tận dụng đất vườn để trồng cỏ, dự trữ rơm sau vụ gặt cho bò ăn. Mong muốn của chúng tôi là năm 2016 này, con bò giống của gia đình sẽ sinh được thêm một con bê con.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT, cho biết: Qua các đợt kiểm tra của ngành nông nghiệp và Ban Chỉ đạo chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” của tỉnh cho thấy nhiều hộ dân được trao tặng bò của chương trình chăn nuôi tại Hải Hà, Móng Cái và Bình Liêu đã xây dựng chuồng nuôi với nền cứng, tường xây, lợp mái, chủ động tích trữ rơm rạ làm thức ăn dự trữ cho mùa đông, đảm bảo cho việc phòng chống đói, rét cho bò. Sau hơn 1 năm triển khai trao tặng bò, đến nay đàn bò chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đàn bò cơ bản đã thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương, trọng lượng bình quân đã đạt 180-200kg/con, trong đó có hơn 30 con trong giai đoạn chuẩn bị sinh sản.

Tuy nhiên cũng theo ông Tám, bên cạnh những hộ nuôi tốt thì không ít hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng ỷ lại, chưa quan tâm xây dựng chuồng trại và chăm sóc bò theo đúng quy trình. Tại các địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà đã hình thành các nhóm hộ chăn nuôi chung, hàng ngày thay phiên đưa bò đi chăn để giảm công chăm sóc. Tuy nhiên, hình thức vẫn là chăn thả tự do, còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng nên hiệu quả không cao. Đặc biệt là chưa chú ý đến công tác phòng chống rét, dịch bệnh dẫn đến bò kém phát triển và khiến trên 140 con bò của chương trình đã bị chết.

Trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục bám sát từng hộ dân, vận động, hướng dẫn đồng bào xây dựng chuồng trại, cách thức chăm sóc đàn bò, trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho bò, nhất là trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Tất cả nhằm phát triển tốt đàn bò, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững theo đúng mục đích tốt đẹp mà chương trình đã đặt ra. Bởi đối với những hộ đồng bào nghèo vùng biên giới, việc được trao tặng bò đồng nghĩa với việc trao cho họ thêm một “cần câu cơm” và hy vọng sớm thoát nghèo. Đây cũng chính là nguồn động viên, khuyến khích bà con vùng biên giới nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giữ vững vùng “phên dậu” của Tổ quốc.

Phương Thuý
Đài TT- TH
Loading...