Cơ hội nào cho du lịch bám tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái?

05/01/2023 16:32
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động từ đầu tháng 9/2022, là cơ hội cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực miền Đông như Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái... Đi cùng với đó là không ít thách thức cho các địa phương này để nắm bắt cơ hội và vươn lên phục hồi sau dịch, có những bứt phá trong giai đoạn hiện nay.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động từ đầu tháng 9/2022, là cơ hội cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực miền Đông. Ảnh: Đỗ Phương

Lợi thế cho du lịch Móng Cái

Du lịch Móng Cái được xem là đã, đang và sẽ được hưởng lợi lớn nhất và trực tiếp nhất khi tuyến cao tốc này đi vào sử dụng. Ngay khi cao tốc khánh thành, vùng đất địa đầu Tổ quốc đã có sự đột phá khi thu hút hơn 150.000 lượt khách. Và ở những tháng cuối năm này, Móng Cái tiếp tục thu hút từ 7.000-10.000 khách vào những dịp cuối tuần, các cơ sở lưu trú trên địa bàn luôn đạt công suất phòng ở mức cao…

Với lượng khách phục hồi mạnh mẽ như thế là cơ hội để Móng Cái tiếp tục khai thác tốt hơn các tiềm năng du lịch giàu có của địa phương. Đó là cảnh sắc thiên nhiên, hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá tâm linh và hệ thống đường biên cột mốc thiêng liêng của mảnh đất biên giới này trong phát huy các loại hình du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tắm biển, mua sắm, du lịch biên giới, du lịch thể thao, golf vốn là lợi thế, được nhiều doanh nghiệp, du khách đam mê, yêu thích.

Thực tế cho thấy, những năm qua, Móng Cái cũng đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch lại các tuyến, điểm du lịch ở Pò Hèn, khu phố đi bộ, mua sắm, đầu tư những đường dạo ven biển, những biệt thự ven biển, villa, khu nghỉ dưỡng ở Trà Cổ… Tuy nhiên, dịp 2/9/2022 giống như một phép thử, khi Móng Cái đón lượng khách tăng đột biến thì các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, phương tiện dịch vụ du lịch của địa phương đều trong tình trạng kín chỗ, quá tải. Điều đó cho thấy sự bất cập về hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ của Móng Cái hiện nay.

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ là một trong những điểm thu hút đông du khách đến tham quan tại TP Móng Cái. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Với dự đoán về dòng khách du lịch đến Móng Cái sẽ tăng lên trong thời gian tới, như vào mùa hè, đón các dòng khách phương Nam hay khi đủ điều kiện mở cửa khẩu biên giới trở lại, thiết nghĩ Móng Cái có nhiều việc cần làm.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, việc Móng Cái cần làm trước mắt chính là chỉnh trang cơ sở vật chất các nhà hàng, cơ sở lưu trú, khách sạn hiện có. Quan tâm thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư các khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn, nhất là tại khu du lịch quốc gia Trà Cổ, khu vực các đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực để tăng công năng sử dụng khi du khách đến với Móng Cái và đa dạng hoá dịch vụ, thu hút khách vào mùa thu đông.

Sớm nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của du lịch địa phương và để nắm bắt cơ hội phát triển du lịch khi cao tốc nối dài tới Móng Cái, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, khẳng định: Thành phố sẽ tập trung cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, liên kết với các địa phương, các công ty lữ hành để có các chương trình tour phù hợp nhu cầu du khách, giới thiệu được nhiều cảnh điểm trong tỉnh nói chung và các địa phương dọc tuyến cao tốc nói riêng.

Đồng thời tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa du lịch Móng Cái trên mọi nền tảng, đặc biệt là nền tảng công nghệ số... Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Móng Cái hướng tới mục tiêu xây dựng “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của Quảng Ninh.

Và những thách thức…

Cùng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp thì giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền Đông là nét đặc sắc thu hút du khách. Ảnh chụp tái hiện lễ cưới của người Dao ở Tiên Yên.

Tiên Yên, Bình Liêu cũng là hai trong số những địa phương nằm dọc trục cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đã có nền tảng du lịch phát triển ở mức độ nhất định những năm gần đây. Thế mạnh của 2 huyện này trong phát triển du lịch là phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt, tươi đẹp với những khe suối, thác nước trong xanh, những cung đường biên giới hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang thơ mộng, những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, với những lễ hội rực rỡ sắc màu, những bản làng vùng cao hoang sơ và yên bình. Cao tốc giúp nối dài những chuyến đi của du khách nhanh hơn, thuận tiện hơn, thậm chí là ngay cả với những du khách nội tỉnh.

Thời gian qua, Bình Liêu phát triển khá tốt các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm các cung đường biên giới, tạo sức hút khá lớn cho du khách, đặc biệt là dòng khách nội địa, khách du lịch phương Nam. Hai lễ hội lớn là Hội mùa vàng và Hội hoa sở Bình Liêu nối tiếp nhau diễn ra vào những tháng cuối năm, cũng là khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông tuyến, đã giúp du lịch Bình Liêu thu hút lượng khách vượt xa mục tiêu đặt ra đầu năm. Tuy nhiên, lượng khách đổ về quá đông vào một thời điểm cũng cho thấy Bình Liêu cần phải có sự quản lý và các kế hoạch đầu tư dài hơi hơn để đảm bảo chất lượng cũng như sự phát triển bền vững của du lịch Bình Liêu thời gian tới đây.

Hội mùa vàng và Hội hoa sở Bình Liêu diễn ra vào những tháng cuối năm 2022, khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông tuyến, đã giúp du lịch Bình Liêu thu hút lượng khách vượt xa mục tiêu đặt ra đầu năm. Ảnh: Nguyễn Dung

Cơ hội là không thể phủ nhận, nhưng khác với Móng Cái, việc thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mang lại thách thức nhiều hơn với du lịch Tiên Yên. Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Trước đây, Tiên Yên đóng vai trò như trung tâm luân chuyển của khách Trung Quốc và nội địa. Tuy nhiên, khi có cao tốc thì đa số khách đi thẳng Hạ Long - Móng Cái và ngược lại, lượng khách qua Tiên Yên rất ít. Vì vậy, huyện đã sớm chủ động để có chiến lược thích ứng. Đó là tập trung phát triển các tiềm năng du lịch dọc tuyến, liên quan giữa việc kết nối cao tốc với trung tâm của huyện.

Tiên Yên cũng đang tập trung bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái và cảnh quan; tổ chức thường niên và nâng cao chất lượng các lễ hội của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu để thu hút du khách đến và ở lại huyện lâu hơn. Các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ cũng được thực hiện tốt gắn với hoạt động của phố đi bộ. Chúng tôi cũng sẽ chuyển hướng từ khách trung chuyển sang khách lưu trú, tăng khai thác chi từ du khách… Địa phương cũng đang kiến nghị với tỉnh sớm nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường để tạo kết nối vùng, từ đó thu hút du khách, đồng thời giúp Tiên Yên vẫn giữ vững lợi thế là ngã ba vùng Đông Bắc kết nối các trung tâm...

Du khách thích thú khám phá những giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Lâu, Tiên Yên.

Du lịch của các địa phương dọc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mặc dù đã có một vài điểm khởi sắc, tuy nhiên ở góc nhìn tổng quan mới là sự phục hồi, khởi động trở lại sau khi du lịch cả nước mở cửa. Ông Phạm Ngọc Thủy cho hay, ở các địa phương có thể khai thác ngay thế mạnh bám trục cao tốc như Bình Liêu, Móng Cái, thì việc cần làm là tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa; đa dạng về sản phẩm du lịch, gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ đi kèm để có thể giữ khách ở lại dài hơn. Lâu dài hơn là sự quan tâm đầu tư thêm hệ thống cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu du khách.

Với những địa phương chưa có điều kiện khai thác tốt tiềm năng du lịch như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ thì cần sự chuẩn bị dài hơi hơn cho các cơ sở lưu trú phục vụ du khách, sản phẩm du lịch mới, có đặc trưng vùng miền để thu hút du khách thay vì chỉ là các sản phẩm phục vụ khách dừng chân, hay sản phẩm ẩm thực, quà tặng cho khách du lịch. Có như vậy, lợi thế của tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mới được hiện thực hoá, tạo đột phá thực sự trong phát triển du lịch của các địa phương.

baoquangninh.com.vn
Loading...