Quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung

Cơ sở để phát triển ngành thủy sản bền vững

07/04/2022 16:26
Thành phố Móng Cái đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề căn bản thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản- một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào thành tựu KTXH bền vững của thành phố Móng Cái.

Thành phố Móng Cái có diện tích tự nhiên trên 518 km2, trong đó 85% đất liền, 15% hải đảo; có chung đường biên giới đất liền và biên giới biển với Trung Quốc, có 50 km bờ biển, trên 6.000 ha đất bãi triều, hơn  2.700 ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản.

Nhận thức rõ việc quy hoạch sẽ làm căn cứ, nền tảng, cơ sở cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, thành phố Móng Cái đã sớm dành sự quan tâm. Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 25/5/2018 của HĐND Thành phố về quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thành phố Móng Cái đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nội dung quan trọng cụ thể hóa sự quan tâm này.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, thành phố Móng Cái đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề căn bản thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản- một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào thành tựu KTXH bền vững của thành phố Móng Cái.

Lót bạt đáy nuôi tôm ở xã Hải Xuân TP Móng Cái

Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều chủ trương chính sách về quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đât, chính sách ưu đãi, các cơ quan chuyên môn chỉ đạo tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân dân về qui trình áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng và được sự hỗ trợ vốn của các ngân hàng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đổi mới trong tư duy sản xuất của người dân, cơ bản các vùng nuôi thủy sản tập trung đã và đang phát huy được lợi thế diện tích mặt nước, đảm bảo các tiêu chí về hệ thống đường giao thông thuận tiện; việc cấp và thoát nước, Điện ổn định… Nhờ đó, do ảnh hưởng của giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19 diện tích trong vùng NTTS tập trung giảm chỉ đạt bình quân 60- 70% diện tích quy hoạch, nhưng sản lượng, năng suất nuôi liên tục tăng cao. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt người dân, doanh nghiệp đã lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao áp dụng theo quy trình VietGAP tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn để hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm.

HĐND thành phố Móng Cái giám sát 3 năm triển khai Nghị quyết số 57/NQ-HĐND về quy hoạch chi tiết vùng NTTS tập trung thành phố Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Tổng diện tích nuôi Tôm thẻ chân trắng giai đoạn 2018- 2020 đạt 187,72% mục tiêu NQ, năng suất đạt 177,4% mục tiêu NQ; sản lượng 2655 tấn đạt 305,17% mục tiêu NQ, giá trị 292,1 tỷ đồng, đạt 248,3% mục tiêu NQ, doanh thu đạt 605 triệu đồng/ha/năm đạt 143,7% mục tiêu NQ.  Giai đoạn 2020-2021: Tổng diện tích nuôi đạt 93,1% mục tiêu NQ; năng suất 7,0 tấn/ha, đạt 175% mục tiêu NQ; sản lượng 3.584 tấn, đạt 162,17% mục tiêu NQ, giá trị 392,4 tỷ đồng, đạt 126,8% mục tiêu NQ, doanh thu đạt 770 triệu đồng/ha/năm đạt 138,24% mục tiêu NQ. Đối tượng con nuôi phát triển khá đa dạng và đang từng bước hình thành sản phẩm thủy đặc sản của địa phương như tôm thẻ chân trắng, ngao, cua, cá bớp; 3 năm qua các tiến bộ khoa học kỹ thuật đang được các hộ nuôi ứng dụng như công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, công nghệ biofloc, nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản... Qua đó đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển NTTS; chú trọng công tác quy hoạch, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển sản xuất NTTS, tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục cho các dự án đầu tư chế biến sản phẩm từ thủy sản, nhất là những dự án có công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động, cơ bản đảm bảo vệ sinh môi trường và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương; duy trì hoạt động kiểm tra và hướng dẫn các hoạt động sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Do vậy sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, ngành nông nghiệp tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đảm bảo định hướng phát triển KTXH của thành phố, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết liên quan đến các nội dung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã được thành phố Móng Cái cụ thể hóa. Đáng chú ý là việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 306 hộ với tổng diện tích 795,06 ha; trong đó cấp GCNQSĐ cho vùng NTTS tập trung là 286 hộ với diện tích là: 681,82 ha, đạt 29,9 % KH (Từ tháng 6/2018 tới 12/2021 đến nay đã cấp được 102 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân). Tiến hành cấp mã cơ sở nuôi cho 105 hộ. Tổ chức Hội nghị chuyên đề với sự tham gia của trên 130 tổ chức, cá nhân, hộ nuôi trồng, xuất nhập khẩu thủy sản để hướng dẫn việc hoàn thiện các tiêu chuẩn đảm bảo cấp mã cơ sở nuôi, các quy định về VSATTP trong vùng NTTS tập trung để xuất khẩu tôm, nhuyễn thể, các sản phẩm thủy sản đi Trung Quốc được thuận lợi. Chú trọng việc hướng dẫn các hộ nuôi kiểm soát toàn bộ quy trình nuôi từ lúc thả giống đến khi thu hoạch; hướng dẫn người nuôi thực hiện theo các quy trình kỹ thuật thủy sản áp dụng cho 17 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh Quảng Ninh.

Móng Cái đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thủy sản

Cùng với đó, Móng Cái đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thủy sản bằng việc phối hợp tổ chức các Cục, Vụ có liên quan của Bộ Công thương, Bộ Nông Nghiệp; Sở Công thương các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ tổ chức 10 hội nghị cấp bộ, cấp tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuận, Hạ Long, Móng Cái và một số địa phương Trung Quốc: Nam Ninh, Quảng Châu, Thâm Quyền, để xúc tiến xuất khẩu, thông tin các quy định của phía Trung Quốc đối với mặt hàng Nông Lâm, Thủy sản qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); ký biên bản hợp tác với 8 tỉnh thuộc miền Tây và Đông Nam Bộ và thường xuyên trao đổi thông tin về các quy định của phía Trung Quốc; Thường xuyên Hội đàm với Chính quyền Đông Hưng (TQ) và chỉ đạo các ngành liên quan như Hải quan, Biên phòng, BQL cửa khẩu, các cơ quan kiểm dịch, Kinh tế …làm việc với các ngành tương ứng phía Trung Quốc để trao đổi thông tin, chủ động thông báo đến các địa phương, doanh nghiệp có liên quan, đồng thời có các giải pháp hoặc tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; định hướng xây dựng hình thức, cơ chế liên kết phù hợp giữa các cơ sở thu mua với cơ sở nuôi; hình thành các mô hình liên kết, liên doanh, hợp tác xã, mô hình tổ quản lý cộng đồng tại tất cả các vùng nuôi tập trung để cùng tham gia tổ chức sản xuất thủy sản liên hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm; Đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tập trung chế biến các sản phẩm mực, cá, tôm, cua, ghẹ...; phát huy hiệu quả 02 thương hiệu sản phẩm “Tôm thẻ chân trắng” và Ghẹ Trà Cổ. Các giải pháp về khoa học, công nghệ trong nuôi tôm như ngăn ô nhỏ, lát bê tông, lót bạt toàn phần, hệ thống xả đáy, hệ thống xử lý nước, hệ thống quạt, sục khí... cải thiện hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi đã tăng năng suất bình quân nuôi tôm thâm canh đạt 5,5-7 tấn /ha/vụ.

Thành phố cũng đã tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề NTTS cho 350 hộ nuôi, 40 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật cho trên 2.000 người tham gia ,thành lập 06 Tổ quản lý cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản, 09 Hợp tác xã, tổ liên kết vừa để tổ chức sản xuất tập trung vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Toàn thành phố huy động trên 1.399,77 tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ ngân sách là: 152,69  tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất…

TP Móng Cái phát huy hiệu quả thương hiệu sản phẩm “Tôm thẻ chân trắng”

Vừa qua, chủ trì thực hiện chương trình giám sát 3 năm triển khai Nghị quyết số 57/NQ-HĐND về quy hoạch chi tiết vùng NTTS tập trung thành phố Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đồng chí Dương Thị Huệ, Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố đã yêu cầu: UBND thành phố cần rà soát hủy bỏ, bổ sung các vùng NTTS tập trung phù hợp, khẩn trương chỉ đạo các ban ngành liên quan bám sát các quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái, các quy hoạch phân khu chức năng, kịp thời hủy bỏ các khu vực quy hoạch NTTS bị chồng lấn với các quy hoạch khác hoặc bị ảnh hưởng bởi các dự án triển khai trên địa bàn; xem xét bổ sung các khu vực đảm bảo các tiêu chí vào vùng tập trung theo kiến nghị nhiều lần của cử tri. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và đất đai đối với 28 vùng NTTS tập trung; phấn đấu tổng sản lượng NTTS đến năm 2025 đạt 14.730 tấn; mỗi khu NTTS tập trung có ít nhất 1 tổ cộng đồng tuân thủ nghiêm túc quy chế quản lý vùng nuôi. Tập trung đầu tư hoàn thiện một số hạng mục dùng chung tại các vùng NTTS tại các xã, phường gồm Ninh Dương, Vạn Ninh, Hải Xuân, Hải Hòa, Bình Ngọc. Đồng thời, khuyến khích hộ nuôi đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ nuôi, đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện mặt nước ở 12 xã phường theo quy hoạch; khuyến khích các hộ nuôi thủy sản theo quy trình để phấn đấu 100% hộ nuôi được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, rà soát kiểm tra đánh giá lại việc thực hiện các quy chế quản lý từng vùng nuôi; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, có chế tài xử lý các vi phạm trong các vùng nuôi tập trung. … Có như vậy, mới đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, có chiều sâu bền vững đối với việc phát triển ngành thủy sản, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 16/3/2021.

Bên cạnh đó, HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố và các ngành liên quan tiếp tục vận động các doanh nghiệp và người dân xây dựng và hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh, siêu thâm canh, đẩy nhanh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại; khu sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi. Tạo điều kiện để Tập đoàn Kiểm nghiệm Kiểm dịch Trung Quốc (CCIC) đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập chi nhánh, mở phòng Lab tại Lối mở Km 3+4 Hải Yên ; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành lập Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản quốc tế; nghiên cứu bổ sung sản phẩm từ ngành thủy sản vào chương trình phát triển sản phẩm OCOP Thành phố năm 2022 gắn với chiến lược mới, ý tưởng mới, quy hoạch vùng sản xuất nhóm “3 con” (lợn, bò, tôm), “2 cây” (khoai lang, dược liệu), “1 điểm đến” (Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ)... theo các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra để khai thác cơ hội thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc và nội địa. Nâng tỷ lệ doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, quy trình thực hành nuôi tốt VietGAP, nuôi nhà màng công nghệ cao; giải quyết cơ bản được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động...

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...