Công tác vệ sinh môi trường đang có dấu hiệu “chững lại”- trách nhiệm và giải pháp

03/01/2025 17:06
Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác trật tự đô thị, xây dựng, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Móng Cái (sau đây viết tắt là Chỉ thị 18), hơn một năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân dân.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc tổ chức thực hiện nội dung này ở một số địa bàn, cơ quan, đơn vị đang có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, với công tác vệ sinh môi trường, nếu không duy trì hàng ngày, hàng giờ thì nguy cơ tái diễn tình trạng mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị, nông thôn có thể xảy ra. Vậy, trách nhiệm và giải pháp cho vấn đề này là gì?

Năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xác định chủ đề công tác là: “Bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế; thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành có lợi thế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, trong đó, đặt ra nhiệm vụ là đề nghị công nhận đô thị loại I cho thành phố Móng Cái mở rộng.

Trong các tiêu chí đô thị, thì công tác vệ sinh môi trường ở bất kỳ thời điểm nào luôn được đặc biệt quan tâm, bởi có vệ sinh môi trường tốt thì mới có đô thị sáng- xanh-sạch- đẹp.

Hơn một năm qua kể từ khi Chỉ thị 18 ban hành, tổ chức thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được Thành phố, các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đạt được nhiều kết quả thiết thực trong thực tiễn.

Riêng với công tác vệ sinh môi trường: Trong hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 18, Đảng ủy, UBND các xã, phường đã lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, công tác vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, các phong trào “ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh”, phong trào “sạch nhà, sạch thôn khu, sạch Thành phố” cùng nhiều mô hình tự quản trong cộng đồng được duy trì, qua đó, từng bước tạo diện mạo mới, sạch đẹp hơn, phong quang hơn cho thành phố địa đầu Tổ Quốc.

Nhân dân, cán bộ phường Trần Phú tích cực dọn vệ sinh môi trường trong ngày thứ 7, Chủ nhật 

Không thể phủ nhận sự vào cuộc của các cấp, ngành, các cán bộ, đoàn viên, hội viên trong công tác vệ sinh môi trường, tuy nhiên, điều cần nhất để duy trì hiệu quả thành phố sáng- xanh- sạch- đẹp phải thực sự bắt nguồn từ ý thức chủ động của nhân dân, của chính hộ dân, hộ kinh doanh sử dụng vỉa hè, đường phố, ngõ xóm. Thực tế, thời gian gần đây, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, cán bộ, hội viên thì đâu đó, một bộ phận nhân dân còn thờ ơ với công tác vệ sinh môi trường, coi những ngày thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh là của cán bộ !

Trong giai đoạn đầu triển khai Chỉ thị, với khí thế tinh thần quyết liệt, kết hợp tuyên truyền với áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật và các nghị định liên quan trong bảo vệ môi trường thì các phường xã bắt đầu tạo được tính răn đe, giáo dục, nhưng thời gian gần đây, công tác vệ sinh môi trường đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, để thực sự duy trì ý nghĩa, hiệu quả của Chỉ thị 18 đối với công tác VSMT thì mỗi xã, phường, thôn, khu và chủ thể là người dân cần phải có sự nhìn nhận lại cách nghĩ, cách làm, cách thực hiện.

Trước mắt, đối với xã, phường, đơn vị quản lý cần tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, hướng dẫn công tác VSMT thường xuyên, liên tục, khẳng định rõ quan điểm cán bộ chỉ là người định hướng, dẫn dắt chứ không làm thay, và đặc biệt là gắn với công tác kiểm tra, giám sát nghiêm túc, xử phạt quyết liệt.

Được biết, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đổ rác thải trên vỉa hè được quy định tại điểm d khoản 2, điểm a khoản 7 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau:

Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường

...

2. Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

...

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

...

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra đối với trường hợp vi phạm tại điểm c, d khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;

Cần đưa công tác VSMT vào sâu trong nhận thức, hành động, trở thành ý thức hàng ngày, hàng giờ của mỗi người dân. Ảnh: Công tác VSMT tại Trà Cổ

Trong năm 2024, với mức phạt 1.500.000/ trường hợp vi phạm được nhiều xã phường áp dụng đã tạo tính răn đe, nhắc nhở. Do vậy, sau khâu tuyên truyền, hướng dẫn thì khâu xử phạt chắc chắn sẽ là biện pháp mạnh để răn đe, chống tái phạm. Đây được coi là biện pháp đầu tiên để tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của chính hộ dân.

Thứ hai, ngoài việc xử lý của xã, phường, thì các lực lượng chức năng của thành phố tiếp tục duy trì kế hoạch tổng xử lý, hỗ trợ các xã, phường trong công tác xử lý vi phạm để loại trừ yếu tố địa phương, cả nể, góp phần chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hay xả rác không đúng quy định.

Thứ ba, thực hiện tốt cơ chế nêu gương. Sau tuyên truyền, mỗi người dân, gia đình có được nhận thức đúng, nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường; nhưng với những hộ gia đình có cán bộ, đảng viên, CCVC thì càng phải áp dụng cơ chế «nêu gương», nếu thực hiện tốt sẽ biểu dương, nếu thực hiện chưa tốt thì mạnh mẽ phê bình, đánh giá vào công tác thi đua tại tổ dân khu phố, tại tổ đảng nơi cư trú và tại cơ quan đơn vị nơi công tác.

Thứ tư: thành phố cần sớm có quy chế phối hợp giữa các phòng ban, đơn vị, xã, phường trong công tác trật tự đô thị, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường, đảm bảo cơ chế, nguồn kinh phí chi trả cho các lực lượng khi huy động, gắn nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người thực hiện nhiệm vụ.

Thứ năm: cần có sự phối hợp trong giám sát 2 chiều của khu phố, người dân với công nhân vệ sinh môi trường và ngược lại về thời gian đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và thu gom rác đúng giờ. 

Chỉ thị 18 trong thời gian qua đã phát huy các phong trào, hoạt động giữ gìn, đảm bảo VSMT trong cộng đồng, nhất là phong trào “Ngày xanh trong tuần”, “Ngày chủ nhật xanh” từng bước đi vào nề nếp, huy động được đông đảo lực lượng tham gia, dần trở thành thói quen sinh hoạt của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân trên toàn địa bàn thành phố góp phần xây dựng thành phố du lịch sáng, xanh, sạch, đẹp.

Kỳ vọng rằng, dấu hiệu chững lại trong công tác VSMT đâu đó chỉ là một giai đoạn tạm dừng để chuẩn bị cho củng cố khí thế và cách làm quyết liệt hơn, có chiều sâu hơn, từ đó, đưa công tác VSMT vào sâu trong nhận thức, hành động, trở thành ý thức hàng ngày, hàng giờ của mỗi người dân nơi thành phố tươi đẹp địa đầu đất nước.

Thu Hằng
Loading...