Cửa khẩu Móng Cái- Những tín hiệu phục hồi khả quan sau tác động của đại dịch

31/03/2023 23:59
Sau tác động của đại dịch Covid-19, việc mở cửa hoạt động trở lại hoàn toàn như trước đối với cả XNK và XNC đã đưa Móng Cái dần sôi động trở lại. Cửa khẩu Móng Cái đang có những tín hiệu phục hồi rất khả quan .

Theo báo cáo từ Ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái: Trong quý I/2023, năm 2023, tổng trọng lượng hàng hóa XNK năm 2023 (hết ngày 30/3/2023) đạt  344.600 tấn, tăng 206% so cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, lượng người XNC qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái không ngừng tăng nhanh, có thấy những tín hiệu phục hồi rất khả quan sau tác động của đại dịch Covid-19.

Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Móng Cái 
Lượng người xuất cảnh qua Đông Hưng (Trung Quốc)  khá đông 

Cụ thể: từ ngày 01/01–30/03/2023, tổng lượt người XNC đạt 178.128 lượt người. Tổng trọng lượng hàng hóa XNK năm 2023 (hết ngày 30/3/2023) đạt  344.600 tấn tăng 206% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II: đạt 8.703 phương tiện (4.083 phương tiện Việt Nam xuất cảnh; 4.620 phương tiện Trung Quốc nhập cảnh), tăng 78,6% so cùng kỳ 2022, trung bình đạt 123 phương tiện/ngày. Hàng hóa XNK đạt 144.763 tấn (Nhập khẩu đạt 114.746 tấn, xuất khẩu đạt 30.017 tấn), tăng 100% so cùng kỳ 2022, bình quân đạt: 2.039 tấn hàng hóa XNK/ngày.

Tại lối mở Km 3+4 Hải Yên: Hàng hóa xuất khẩu đạt 11.602 phương tiện (4.757 phương tiện Việt Nam, 6.845 phương tiện Trung Quốc) chở 181.896 tấn hàng hóa (bình quân đạt 141 phương tiện/ngày, 2.218 tấn/ngày) tăng 403 % so cùng kỳ 2022. Trong đó: Hoa quả: 2.416 xe=55.814 tấn, Bột sắn: 1.117 xe= 45.669 tấn, Thủy hải sản đông lạnh: 1.704 xe=42.916 tấn, Hạt khô và hàng hóa khác: 750 xe= 19.472 tấn; Tôm, cua, cá sống: 5.615 xe=18.025 tấn. Hàng hóa nhập khẩu đạt 5.749 phương tiện Trung Quốc vận chuyển 17.941 tấn hàng tạp, hàng vải (trung bình 73 phương tiện/ngày) tăng 345% so cùng kỳ 2022.

Đặc biệt, mới đây, cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2-phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chính thức được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu và trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực. Như vậy, cửa khẩu Đông Hưng cùng cửa khẩu Hữu Nghị Quan (phía Việt Nam là cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn) trở thành hai cửa khẩu đường bộ được phép nhập khẩu lương thực của Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi đưa vào hoạt động, cửa khẩu Đông Hưng (phía Việt Nam là cầu Bắc Luân 2 - cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sẽ trở thành một trong những cửa khẩu nhập khẩu lương thực từ các nước ASEAN.

Cầu Bắc Luân 2-phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chính thức được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu và trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực.

Như vậy, cùng với những tín hiệu rất lạc quan từ xuất nhập cảnh, khôi phục các đoàn khách du lịch qua cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đang trở thành cửa ngõ thông quan, thúc đẩy thương mại hàng nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc và là cửa khẩu đường bộ lý tưởng phục vụ XNC.

Với lợi thế địa lý “giáp biển, giáp biên giới”, thông ra biển thuận lợi, Móng Cái có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á. Thành phố Móng Cái với vị trí nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái, trên hai hành lang (hành lang biên giới, hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), một vành đai kinh tế có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. KKTCK Móng Cái là KKTCK duy nhất tại Việt Nam có hệ thống kết nối giao thông thủy với Trung Quốc, đường sắt trong tương lai. Thành phố có cửa khẩu quốc tế Bắc Luân I, II và một số lối mở như: Vạn Gia, Ka Long, Lục Lầm, Thành Đạt, Hải Sơn; quốc lộ 18A nối liền với Hạ Long và cả nước; có cảng nước sâu quốc gia Vạn Gia.... thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ. Bãi biển Trà Cổ trải dài 17 km với phong cảnh tự nhiên được đánh giá là bãi biển trữ tình nhất Việt Nam và được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKTCK Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040; Trong đó xác định KKTCK Móng Cái là một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; xây dựng KKTCK Móng Cái trở thành đô thị hiện đại; là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ biên giới, thể thao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động... Đồng thời, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định xây dựng Móng Cái trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, với trọng tâm là phát triển du lịch biển, đảo, du lịch biên giới, du lịch văn hóa tâm linh kết hợp mua sắm, du lịch sinh thái núi - hồ, du lịch nghỉ dưỡng.

Trải qua giai đoạn tác động của đại dịch Covid-19, Móng Cái đã kiên trì thực hiện tốt “mục tiêu kép”, giữ vững địa bàn an toàn, phát triển KTXH, và nay, tăng tốc mạnh mẽ để bứt phá, phát huy các tiềm năng của một thành phố hạt nhân khu KTCK phát triển độc đáo, khác biệt, đa ngành, tổng hợp, mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, XNK.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...