Cú hích cho đào tạo nghề của tỉnh Quảng Ninh

26/08/2016 08:09
“Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII thông qua được đánh giá như một “cú hích” mạnh mẽ cho công tác đào tạo nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
 
Trong giai đoạn 2006-2015, số lượng các cơ sở dạy nghề (CSDN) và cơ sở khác có tham gia dạy nghề của tỉnh Quảng Ninh đã tăng lên đáng kể, từ 23 lên 45 cơ sở. Số lượng các cơ sở tăng mạnh vào năm 2008 và năm 2012. Đặc biệt, số lượng các cơ sở khác có tham gia dạy nghề có tốc độ tăng khá cao. Điều này cũng cho thấy công tác xã hội hóa hoạt động dạy nghề của tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên sự tăng trưởng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Nguyên nhân là bởi các cơ sở dạy nghề chưa được sắp xếp hợp lý, hoạt động thiếu hiệu quả, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn…
qtv_day-nghe
Sinh viên trường CĐ Nghề Than Khoáng sản Việt Nam thực hành tại mô hình lò khai thác than

Dựa trên những nghiên cứu, phân tích khoa học những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực qua đào tạo của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 84% - 89%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60% – 65%. Đào tạo mới, đào tạo lại cho khoảng 170.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 30%, trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chiếm 50%, chuyển đổi nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ chiếm 20%.
Đến năm 2030 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo của người học; tăng tỷ lệ người học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp lên 40%; đảm bảo đủ điều kiện cho người lao động học tập, bổ sung năng lực, kỹ năng nghề; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Thịnh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh khẳng định: “Được nghiên cứu, xây dựng một cách công phu, khoa học, bài bản bởi đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ góp phần vào việc đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020”.
Cũng theo nội dung của quy hoạch này, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được phát triển tại tất cả các địa phương trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Cụ thể, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 05 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp và 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Ngoài 04 trường cao đẳng nghề hiện có, sẽ kêu gọi đầu tư trường cao đẳng ở Móng Cái; nâng cấp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Vân Đồn thành trường trung cấp.Thành lập mới 02 trường trung cấp tư thục tại huyện Hải Hà và thị xã Đông Triều. Ngoài ra còn có 27 đơn vị, doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư nâng cấp 3 trường có nghề đạt cấp độ quốc gia và quốc tế.
qtv_day-nghe
Trường CĐ nghề Việt - Hàn Quảng Ninh với cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề hiện đại

Như vậy có thể thấy, từ 45 cơ sở dạy nghề và có tham gia dạy nghề hiện nay, số lượng cơ sở dạy nghề được sắp xếp gọn nhẹ hơn, tập trung chú trọng vào chất lượng, đầu tư có trọng điểm nhằm nâng công suất đào tạo và định hướng cho các đơn vị đầu tư mở các mã ngành đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ, công nghiệp.

Quy hoạch cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý,  cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Thạc sĩ Phan Quý Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Giao thông - Cơ điện Quảng Ninh cho biết, Quy hoạch thực sự là tín hiệu  vui cho các cơ sở đào tạo nghề, với sự định hướng rõ ràng, sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, các trường sẽ có thêm sự tự tin để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
Với kinh phí thực hiện khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó gần 60% từ nguồn vốn xã hội hóa, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hy vọng sẽ thực sự mang đến bước đột phá cho nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
qtv.vn
Loading...