Hiện nay, các cửa khẩu biên giới bộ tuyến Việt Nam-Trung Quốc không chỉ là cửa ngõ du lịch, mà còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất, nhập khẩu của hai quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng cửa khẩu thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới và thúc đẩy hoạt động thương mại biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc nâng cấp các cửa khẩu, xây dựng các cửa khẩu thành cửa khẩu thông minh sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho phát triển kinh tế của cả hai nước và là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các cửa khẩu.
Thời gian qua, trong bối cảnh quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước không ngừng được củng cố và phát triển, cùng với quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm, Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã tích cực phối hợp và thực hiện có hiệu quả nội dung hợp tác giữa hai bên. Theo đó, Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu hai bên không ngừng đi sâu hợp tác và đạt được những thành quả tích cực trên các lĩnh vực, nâng cấp cửa khẩu, tăng cường quản lý an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, xây dựng kết nối hạ tầng cửa khẩu qua biên giới.
Quảng Ninh là một trong số các tỉnh biên giới có hoạt động cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Hiện nay, một số cửa khẩu tại Quảng Ninh đã và đang được đầu tư, nâng cấp để trở thành cửa khẩu thông minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước, trong đó có Móng Cái.
Hiện, thành phố Móng Cái đang trong quá trình nghiên cứu mô hình cửa khẩu thông minh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) (khu vực Bắc Luân I và Bắc Luân II). Dự kiến trong tháng 5/2025 sẽ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh để Tổ công tác cấp Tỉnh – Khu hai bên tổ chức nghiên cứu, hội đàm.
Các nội dung của mô hình bám sát Thỏa thuận khung hợp tác thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) và thí điểm xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc ký kết ngày 12/4/2025.
Trên thực tế, cửa khẩu quốc tế (CKQT) Móng Cái đang hoạt động theo mô hình cửa khẩu thông minh. Đây là một trong những cửa khẩu đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư và nâng cấp để trở thành cửa khẩu thông minh.
Hiện nay, cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã được trang bị các hệ thống công nghệ hiện đại như: Hệ thống quản lý và kiểm soát hàng hóa tự động; Hệ thống đọc mã vạch và mã QR; Hệ thống camera giám sát và nhận dạng khuôn mặt; Hệ thống quản lý và kiểm soát phương tiện tự động. Những hệ thống này đã giúp tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát tại cửa khẩu, giảm thiểu thời gian và chi phí cho các hoạt động giao thương. CKQT Móng Cái cũng đã được kết nối với hệ thống cửa khẩu thông minh của thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, giúp tăng cường hợp tác và giao thương giữa hai nước.
Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, kiểm tra và quản lý phương tiện một cách nhanh chóng và chính xác. Điều này đã giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho các hoạt động giao thương, đồng thời, siết chặt an ninh, an toàn cho người, hàng hóa và phương tiện. Cùng với đó, tại các cửa khẩu cũng đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, vận hành.
Đơn cử, tại cửa khẩu Bắc Luân II, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương (Móng Cái - Việt Nam) và Tập Đoàn Kiểm Nghiệm Trung Quốc - Công ty TNHH Quảng Tây, Chi nhánh Đông Hưng (Trung Quốc) đã hợp tác đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thuỷ sản tại khu vực dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ - thương mại Trạm kiểm soát liên ngành Cầu Bắc Luân II, nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa là nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc. Trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng hoa quả, thực phẩm động thực vật khác, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu; từ đó giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm bớt các chi phí liên quan đến việc kiểm nghiệm và truy xuất hàng hóa xuất khẩu, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Được biết, kể từ sau đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã tăng nhanh về số lượng; việc giao dịch xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử đã làm tăng tốc độ luân chuyển của hàng hóa. Do vậy, các doanh nghiệp cả hai bên đều mong muốn đơn giản hóa các thủ tục trong xuất nhập cảnh, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hải quan nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian thông quan, nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh trong xuất nhập khẩu.
Chính vì vậy, để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu (Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch) và các cơ quan, đơn vị liên quan luôn phải làm việc với cường độ cao về thời gian, trong môi trường biến đổi liên tục về cách thức xử lý công việc... thực hiện đổi mới quy trình công tác nghiệp vụ gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát, vừa bảo đảm an ninh biên giới quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Mô hình cửa khẩu thông minh sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế của cả hai nước, tăng cường hợp tác và giao thương, nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mạnh và thúc đẩy XNC, thương mại hàng hóa xuyên biên giới Việt – Trung.