Sau hơn 20 năm xây dựng kinh tế cửa khẩu ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Cửa ngõ giao thương sôi động, yên bình

20/02/2017 08:16
Từ năm 1996, Móng Cái là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi kinh tế cửa khẩu. Cùng với hàng loạt chính sách đổi mới, tăng cường hợp tác kinh tế, đoàn kết hữu nghị với Trung Quốc của Nhà nước ta và tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, vùng biên Móng Cái ngày càng phát triển mạnh mẽ.

 

Những ngày đầu Xuân 2017, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân có dịp trở lại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, ghi nhận những đổi thay mạnh mẽ và nhịp sống giao thương sôi nổi trong tình hữu nghị của người dân hai nước…

Người xe tấp nập

7 giờ kém 15 phút, không phải là ngày nghỉ cuối tuần nhưng Đại úy Nguyễn Văn Biên, Phó đồn trưởng kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Quốc tế Móng Cái cùng kíp trực đã phải có mặt từ sớm để làm công tác chuẩn bị cho việc mở cửa khẩu hằng ngày. Giữa tháng 2, không phải là mùa cao điểm du lịch nhưng lượng người xuất nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại để làm ăn, buôn bán, du lịch mấy năm nay luôn ở mức vài nghìn người mỗi ngày. Dòng chảy người qua lại giữa hai nước luôn tấp nập từ 7 giờ đến 20 giờ.

 Mỗi ngày có hàng nghìn người dân và du khách qua lại cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

“Chỉ cần một sự chậm trễ, một khâu công việc thiếu khoa học, cửa khẩu sẽ ùn tắc ngay. Cho nên, đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp thúc đẩy thương mại và du lịch qua cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ đội Biên phòng (BĐBP)”-Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Đồn trưởng Đồn BPCK Quốc tế Móng Cái chỉ cho chúng tôi xem dòng người xếp hàng dài qua cầu Bắc Luân để sang Việt Nam và giải thích.

Theo báo cáo của BĐBP tỉnh Quảng Ninh, lúc cao điểm, mỗi ngày bình quân có hơn 10 nghìn lượt người qua lại, trong đó là 3-4 nghìn lượt khách du lịch. Riêng năm 2016, lượng người nhập cảnh qua hộ chiếu là hơn 630.000 người, tăng gần 50%, lượng người Trung Quốc nhập biên lên tới hơn 721 nghìn lượt người. Trước năm 2015, lượng người xuất nhập cảnh chỉ hơn 500 nghìn lượt người mỗi năm thì từ năm 2015 tăng lên hơn 1 triệu lượt người, năm 2016 tăng lên hơn 1,5 triệu lượt người. Bản báo cáo về số lượng và danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới năm 2016 cũng tăng nhiều so với năm 2015.

Thượng tá Lã Hồng Sơn, Phó tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ninh, nguyên là Đồn trưởng Đồn BPCK Quốc tế Móng Cái kể với chúng tôi, mỗi một lần ra Móng Cái, lại thấy vùng biên thêm đổi thay. Song tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới và cửa khẩu luôn rất tốt, BĐBP không ngừng làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con và nhân dân vùng biên hai nước. Hiện Móng Cái có hàng nghìn hộ kinh doanh người Trung Quốc hằng ngày sang bán hàng tại Việt Nam. Tương tự cũng có hàng nghìn người Việt Nam xuất cảnh kinh doanh, bán hàng thuê, lao động tại TP Đông Hưng (Trung Quốc), sáng đi chiều về.

Anh Vũ Nhân Triều, nhân viên bảo vệ bãi xe cửa khẩu cho biết: Từ 1-1-2017 đến nay, cửa khẩu tấp nập hơn khi UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt phương án thí điểm quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.

Thông thoáng thủ tục nhưng an toàn, kỷ cương

10 giờ sáng, cửa khẩu đã vào “giờ cao điểm”, người, xe hàng hóa như nước chảy. Có mặt tại cửa khẩu, chúng tôi quan sát hai bên “cánh gà” luôn có hàng trăm người xếp hàng làm thủ tục. Dòng người luôn hối hả, tấp nập nhưng nhịp nhàng. Chúng tôi đã có dịp tranh thủ trò chuyện với một số du khách đang đợi làm thủ tục.

 Bộ đội Biên phòng tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái kiểm tra, làm thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách.

Nét mặt vui vẻ sau lúc vừa chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm bạn khi đặt chân sang đất Việt Nam, nữ du khách Tăng Tư Phàm, đến từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, mọi thủ tục xuất nhập cảnh đều thuận tiện, nhanh chóng. Đóng dấu xong là đi ngay, không có gì phiền phức. Thái độ của nhân viên, BĐBP Việt Nam tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái thân thiện, nhiệt tình. Lần này chị qua thăm Móng Cái và cho biết sẽ còn quay trở lại Việt Nam.

Du khách Hàn Bỉnh Hữu, người tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) chia sẻ: "Tôi đã làm xong thủ tục, giờ chuẩn bị lên xe. Tôi thấy thủ tục ở Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái làm rất nhanh gọn. Tôi tới đây mỗi tháng hai lần vừa để thăm bạn, vừa là trông coi việc kinh doanh. Là người qua lại thường xuyên tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, tôi thấy nhân viên Ban quản lý cửa khẩu có tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhã nhặn, thân thiện với tất cả mọi người. An ninh, trật tự ở đây cũng rất tốt. Tôi còn thấy nhiều cán bộ biên phòng của Việt Nam tận tình hướng dẫn cho những du khách làm thủ tục, bảo đảm trật tự, an ninh".

Du khách Nhữ Hồng Tường thì phấn khởi cho biết, ông và những người bạn của mình sẽ tới Việt Nam du lịch trong 5 ngày, đi Móng Cái, Hạ Long và Hà Nội. Ngay từ khi tới Việt Nam, ông đã nhận được sự đón tiếp thân thiện của hướng dẫn viên du lịch cũng như những nhân viên tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.

Chị Đinh Thị Kim Kha, cán bộ Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Phúc Sơn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, công ty mỗi ngày làm dịch vụ đưa đón hàng trăm khách du lịch và luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của BĐBP. Chị rất ấn tượng với nhiều việc làm tốt của BĐBP Việt Nam cũng như Công an Biên phòng Trung Quốc. Năm ngoái, một nữ du khách đi du lịch đã bị mất túi xách tay có gần 9.000 nhân dân tệ (tương đương 27 triệu đồng Việt Nam), 2 điện thoại di động, nhiều giấy tờ tùy thân và hàng hóa khác. Người này hết sức hoang mang trình báo cho Trạm Kiểm tra Biên phòng Đông Hưng-Trung Quốc nhưng không mấy hy vọng tìm được. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Quốc tế Móng Cái đã truy tìm được toàn bộ tiền, của cải, giấy tờ bị thất lạc của du khách và trao trả.

Người chiến sĩ quân hàm xanh ở cửa ngõ giao thương

Tết Nguyên đán của người Việt Nam và Tết Nguyên tiêu của người Trung Quốc đã qua nhưng dư âm của các cuộc giao lưu, thăm hỏi giữa chính quyền và nhân dân hai nước trên khu vực biên giới như vẫn còn đâu đây qua lời kể của cán bộ, bộ đội và nhân dân.

Lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và TP Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thường xuyên giao lưu, thăm hỏi nhau nhân dịp lễ, Tết. 

Đại tá Trần Văn Bừng, Phó chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh cho biết, BĐBP tỉnh rất chú trọng chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, kết nghĩa đồn-trạm hữu nghị, xây dựng biên giới bình yên; duy trì việc trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra chung, diễn tập phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống đột xuất, thăm hỏi, chúc mừng nhau nhân các ngày lễ, Tết. Đặc biệt, Đồn BPCK Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Chi đội Công an Biên phòng TP Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) là một trong những mô hình thí điểm đầu tiên hoạt động ký thỏa thuận “Chung tay kết nghĩa đồn-trạm (đội) hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên” được triển khai từ năm 2013 và ngày càng hiệu quả. Từ mô hình này đã giúp hình thành, hoàn thiện cơ chế gặp gỡ, hội đàm định kỳ trao đổi thông tin giữa lực lượng chức năng hai nước, hợp tác thực thi pháp luật, tăng cường quản lý biên giới; phối hợp phòng, chống tội phạm, hoạt động khủng bố, ly khai… giúp cho biên giới ngày càng bình yên hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, Móng Cái đã thật sự lột xác trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế cửa khẩu. Đóng góp vào sự phát triển ấy, có vai trò rất lớn của lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng. Sau 10 năm tách ra từ huyện Hải Ninh, Móng Cái phát triển thành thị xã năm 1998 và từ 2008 trở thành thành phố với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Riêng năm 2016, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Móng Cái đạt hơn 172% kế hoạch, tăng gần 86% so với cùng kỳ; tổng khách du lịch đến Móng Cái tăng 39% so cùng kỳ.

“Bộ đội Biên phòng góp sức không nhỏ cho phát triển thương mại, du lịch. BĐBP rất gần dân, việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị tạo động lực quan trọng cho sự phát triển”-đồng chí Dương Văn Cơ khẳng định.

Nhịp sống năng động và tương lai rộng mở

Sự bình yên, phát triển của vùng biên năng động Móng Cái bắt nguồn từ sự quan tâm chung của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đối với các vùng kinh tế cửa khẩu.

Từ trước đến nay, Móng Cái luôn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh; là cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam-Trung Quốc và các nước ASEAN trong tiến trình hình thành Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và chiến lược phát triển “hai hành lang, một vành đai”. Hiện nay, TP Đông Hưng-Quảng Tây-Trung Quốc (đối diện với TP Móng Cái) đã được Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê duyệt là “Khu thí điểm khai phát trọng điểm Đông Hưng-Quảng Tây” theo mô hình Đặc khu kinh tế với việc cho phép nghiên cứu đề xuất những cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi; là điểm đầu của các tuyến giao thương hàng hóa tạo thế và lực mới để tăng cường giao lưu hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN.

Đối với nước ta, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm giúp Móng Cái phát triển. Trước năm 1998, Móng Cái là một huyện nghèo, hưởng trợ cấp ngân sách Nhà nước nay đã phát triển trở thành một trong hai trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh với cơ cấu thương mại-dịch vụ chiếm hơn 73%, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao hơn 14%/năm. Về du lịch, Móng Cái được xác định là 1 trong 2 trọng điểm du lịch của Quảng Ninh (sau Hạ Long). Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Móng Cái năm 2015 vượt ngưỡng 1 triệu lượt du khách tới tham quan, đến năm 2016 tăng lên gần 1,6 triệu. 

Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 99/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thành phố Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đến năm 2020 với động lực phát triển chính của thành phố là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông quốc tế. Thành phố Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái sẽ là hạt nhân của khu kinh tế mở, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa-xã hội và bảo đảm vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển. Năm 2015, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định số 1226/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 1626/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ là khu kinh tế cửa khẩu tự do mà Trung tâm là Khu hợp tác song phương hai đầu cầu Bắc Luân 2: Đông Hưng (Quảng Tây-Trung Quốc)-Móng Cái (Quảng Ninh-Việt Nam). Theo quy hoạch, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái bao gồm toàn bộ TP Móng Cái và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà.

Móng Cái giờ đây đã là một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất vùng Đông Bắc, với nhịp sống năng động nhưng bình yên, không chỉ nổi tiếng là cửa ngõ giao thương nhộn nhịp mà còn là “thiên đường” của loại hình du lịch “xuất ngoại trong ngày”.

Tương lai rộng mở của Móng Cái đang được vun đắp từng ngày từ những dòng người tấp nập, miệt mài qua cửa khẩu nhộn nhịp giao thương, nơi có những người lính quân hàm xanh Biên phòng Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc chung tay xây dựng biên giới bình yên, thịnh vượng.

qdnd.vn
Loading...