Theo đó, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Móng Cái tổ chức cưỡng chế giao tài sản là Quyền sử dụng đất diện tích 280m2 (trong đó: ONT (240m2), CLN (40m2) và các tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 00; Tờ bản đồ số 00, (nay là thửa đất số 107, tờ bản đồ số 102); Địa chỉ thửa đất: Thôn 3, xã Hải Hoà, thị xã Móng Cái (nay là Khu 3, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 276547, số vào sổ cấp giấy chứng nhận H00062 do Uỷ ban nhân dân thị xã Móng Cái (nay là thành phố Móng Cái), cấp ngày 18/01/2005 mang tên bà Bùi Thị Loan cho người trúng đấu giá mua tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật.
Đến giờ cưỡng chế, Bà Bùi Thị Loan có mặt nhưng không tự nguyện thi hành án và cũng không tự chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi nhà. Chấp hành viên đã công bố Quyết định cưỡng chế, đưa người phải thi hành án và những người khác ra khỏi nhà phải giao. Tiến hành kiểm đếm, niêm phong tài sản theo đúng quy định và di chuyển toàn bộ đồ đạc, tài sản ra khỏi nhà để chuyển về kho.
Trước đó, tại Quyết định số: 02/2020/QĐ-PT ngày 12/02/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Bản án số: 02/2019/KDTM-ST ngày 26/9/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tuyên:
Buộc bà Bùi Thị Loan phải thanh toán trả cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng số tiền: 2.201.548.476đ (Hai tỷ hai trăm linh một triệu năm trăm bốn mươi tám nghìn bốn trăm bảy mươi sáu đồng), trong đó: Nợ gốc là 949.975.585đ; Nợ lãi trong hạn là: 1.251.572.891đ. Kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, bà Bùi Thị Loan còn phải chịu khoản tiền lãi suất đối với khoản nợ gốc chưa thanh toán theo Hợp đồng đã thỏa thuận với Ngân hàng.
Tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất diện tích 280m2 và các tài sản gắn liền với đất tại thửa đất nói trên.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, hết thời hạn tự nguyện thi hành án, bà Bùi Thị Loan có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án, nên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Móng Cái đã ban hành Quyết định về việc cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật.
Quá trình tổ chức cưỡng chế, đã có một số người dân ban đầu có hành vi chửi mắng Chấp hành viên, ngăn cản việc thực thi nhiệm vụ. Các lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý nghiêm, bảo đảm an toàn về ngươi và tản sản.
Việc cưỡng chế để thi hành dứt điểm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Thi hành án là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế, được Hiến pháp quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.