Đặc sắc văn hóa chợ vùng biên

22/01/2020 00:15
Ăn sâu vào trí nhớ và hoạt động của mỗi người dân vùng biên Móng Cái, cứ khoảng từ 24 Tết nguyên đán hàng năm là bà con lại tìm đến Chợ Trung tâm Móng Cái (thường gọi là chợ 1) để sắm Tết. Đơn giản vì đây là thời điểm “xả hàng”. Không phân biệt túi tiền, đẳng cấp, không “nói thách”, không “hét giá”, người bán, người mua cứ hồ hởi, nhanh nhẹn, mua “hàng đổ đống” ở Chợ 1 Móng Cái đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của chợ vùng biên những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Nét đặc sắc văn hóa chợ vùng biên 

Năm nào cũng vậy, cứ ngoài 23 Tết khi Ông Táo đã lên chầu trời, hàng hóa trong chợ Trung tâm Móng Cái lại được di chuyển từ trên sạp, trên móc để xuống sân, bày biện đẹp mắt thành từng đống.  “Hàng đổ đống” ở Chợ Trung tâm Móng Cái không phải là hàng lỗi, hàng xấu, mà là các mặt hàng quần áo, gia dụng, điện tử… do tiểu thương chuyển từ trong chợ chính ra ngoài sân, và giá cả thì vô cùng hợp lý, bởi theo lý giải của các tiểu thương: Giá cuối năm rẻ hơn vì trong năm họ bán đã có lãi, nay “xả hàng” để lấy vốn. Do vậy, bất kỳ ai vào đây cũng chọn lựa được cho mình và người thân đủ thứ cần thiết mà không tốn kém nhiều. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh và người dân đi mua sắm Tết, Ban quản lý chợ Móng Cái đã giành khoảng trống trên sân phục vụ cho hoạt động bán, mua hàng đổ đống. Quần, áo, giày dép, túi xách, đồ chơi trẻ em đến máy sấy, dây đèn nháy treo cành đào…cả thế giới đồ dùng bày biện trong khung cảnh tấp nập, khiến ai bước chân vào cũng thấy vui vui vì cảm nhận Tết đã đến rồi.   

Ai cũng dễ dàng tìm cho mình và người thân món đồ ưng ý 

Ở đây, không có nạn “chặt chém”, không có chen lấn xô đẩy, cũng không hề có trộm cắp, cướp giật, móc túi; người bán, kẻ mua nườm nượp nhưng rất văn minh, thuận mua vừa bán, không hề có sự to tiếng. Theo thông tin sơ bộ từ Ban quản lý chợ Móng Cái, tại khu vực chợ Trung tâm những ngày giáp Tết, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt người tới mua, bán. Móng Cái vốn dĩ không đông người nên không khí tấp nập ở chợ đã làm cho “không khí Tết” như về sớm với vùng đất địa đầu này. Và lâu dần, nó đã trở thành nét văn hóa đặc sắc chợ vùng biên.

Để đảm bảo cho mọi hoạt động tại chợ diễn ra thông suốt, an toàn, Ban quản lý chợ Móng Cái đã huy động 100% quân số trực và phân bổ lực lượng đều khắp các khu vực, các cửa ra vào, lại đảm bảo trông giữ phương tiện cho nhân dân an tâm mua sắm. Riêng Đội quản lý chợ Trung tâm đã huy động toàn bộ cán bộ, viên chức làm việc hết công suất, đảm bảo ANTT tuyệt đối toàn khu vực để bà con nhân dân yên tâm mua bán. Hoạt động này diễn ra khoảng gần một tuần và kết thúc vào khoảng tối 29 đến trưa ngày 30 Tết.

Chở Tết về nhà 

Xuân đã về trên quê hương địa đầu Tổ Quốc với bao nét cổ truyền được gìn giữ

Sau một năm bộn bề những lo toan vất vả, Tết là dịp để mỗi người chiêm nghiệm lại một năm lao động, tự thưởng cho mình những tấm áo mới, mua tặng  ông bà, cháu con “đồng quà, tấm bánh”, rồi bày biện mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên, sắm sửa bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Và Chợ là nơi mọi người, mọi nhà, dù ít dù nhiều cũng tìm đến.  Điều này khiến cho Móng Cái vốn không đông người và bình yên bỗng trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn, khiến cho mọi người đều cảm nhận sự rộn ràng của không khí Tết cổ truyền.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...