Đánh giá kết quả sản xuất vụ tôm Xuân-Hè, triển khai vụ Thu-Đông năm 2022

03/08/2022 16:17
Trong 2 ngày 2 và 3/8, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND TP Móng Cái tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ tôm Xuân-Hè, bàn các giải pháp để triển khai vụ Thu-Đông năm 2022. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT); các sở, ngành, địa phương và đại diện một số doanh nghiệp nuôi, sản xuất giống tôm trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái đồng chủ trì.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 48.473 tấn, tăng 31,9% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm đạt 17.033 tấn, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2021; năng suất trung bình đạt 2,26 tấn/ha. Riêng tôm thẻ chân trắng đạt 3,47 tấn/ha. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092 ha, trong đó có 7.500 ha nuôi tôm. Toàn tỉnh thả nuôi hơn 5,1 tỷ con giống thủy sản các loại, trong đó có gần 1,8 tỷ tôm giống, tăng 39,8% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất tôm giống với tổng công suất sản xuất, ương dưỡng 10 tỷ post/năm. Vụ tôm Xuân-Hè, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã sản xuất, ương dưỡng và cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tỷ tôm giống.

Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái khai mạc hội nghị 

Theo Quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã quy hoạch 6 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng nuôi tôm tập trung với tổng diện tích 9.400 ha. Đến nay, đã có 5 địa phương quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm tập trung với diện tích 7.287,4 ha.

Dịch bệnh trong nuôi tôm vụ Xuân-Hè được kiểm soát tốt từ công tác phòng chống dịch bệnh và quan trắc môi trường. Toàn tỉnh có 45,7 ha nuôi tôm của 55 hộ dân tại Móng Cái bị thiệt hại do dịch bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được nghiên cứu, ứng dụng trong sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn với diện tích khoảng 100 ha; Mô hình nuôi tôm 2 đến 3 giai đoạn ít thay nước; mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững với diện tích khoảng 150 ha; Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh.

Đông đảo đại biểu tham dự 

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh: Hạ tầng kỹ thuật tại các vùng nuôi tập trung còn thiếu và yếu (chưa có hệ thống cấp, thoát nước riêng cho vùng nuôi), công nghệ kỹ thuật sản xuất chưa thực sự ổn định, số cơ sở nuôi tôm áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất còn hạn chế; năng suất nuôi tôm trung bình của các cơ sở còn rất thấp (2,4 tấn/ha/năm), công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thô sơ, (sản phẩm tôm xuất khẩu chủ yếu ở dạng ướp đá, tươi sống) dẫn đến giá trị xuất khẩu chưa cao; liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư, con giống, nuôi thương phẩm đến chế biến, thương mại chưa thực sự bền vững.

Đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì thảo luận các giải pháp thúc đẩy ngành nuôi tôm  

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất tôm vụ Thu-Đông, trong đó tập trung thảo luận về công tác quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, công tác tổ chức sản xuất, ứng dụng một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao, như: Mô hình nuôi tôm CPF combine; mô hình nuôi tôm trong bể xây hoặc trong nhà; nuôi tôm bền vững bằng hệ thống tuần hoàn; ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm; công tác phòng chống dịch bệnh, chuỗi sản xuất, nhận diện về những thách thức đối với ngành tôm…;  chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất giống, kỹ thuật nuôi tiên tiến, hiệu quả có khả năng áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất về thủy sản năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản nói chung và tôm nuôi nói riêng.

Trước đó, các đại biểu đã đi thăm quan một số mô hình nuôi tôm CPF combine; mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao tại TP Móng Cái.

Các đại biểu đã thăm quan một số mô hình nuôi tôm CPF combine; mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao tại TP Móng Cái
Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...