ĐÀO PHÚC LỘC VỚI CHUYẾN ĐI NGOẠI GIAO ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG TA

23/09/2020 11:07
Là người con vùng đất Móng Cái, thành thạo địa bàn sông nước và có mối quan hệ gắn bó khăng khít với quần chúng nhân dân, Nhà tình báo Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo, Năm Thu…) khi đó mới chỉ là thanh niên yêu nước trẻ tuổi, đã góp phần làm nên thành công trong cuộc hành trình ngoại giao quốc tế chính thức đầu tiên của Đảng ta qua đường biển có mật hiệu là ZT đi từ Móng Cái đến Đông Hưng trong bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp. Sự kiện này cũng đã được đạo diễn Phạm Việt Thanh khai thác trong bộ phim “Con đường sáng”, ca ngợi tài năng, đức độ và trí thông minh của ông.

Con đường huyền thoại - đường biển có mật hiệu là ZT đi từ Móng Cái  - Việt Nam đến Đông Hưng - Trung Quốc

Bối cảnh lịch sử

Vào cuối năm 1944, khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai sắp đi tới hồi kết, tại mặt trận Châu Âu, Hồng quân Liên Xô đang tấn công như vũ bão, đánh bại phát xít Đức. Tháng 4/1944 lực lượng quân đội Đồng Minh đổ bộ lên Nooc-măng-đi. Phát xít Đức liên tục phải rút lui và chống cự trong hoảng loạn. Tại mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương, phát xít Nhật cũng bị Đồng Minh bao gồm quân đội của nhiều nước do Mỹ, Tưởng - Trung Hoa Dân Quốc và Anh chỉ huy, mở nhiều cuộc tấn công, nguy cơ bại trận của phát xít Nhật đã rõ.

Ở Việt Nam, sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941 tại Pác Bó), Đảng ta đã thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo của Bác, đó là kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, củng cố Mặt trận Việt Minh, thành lập lực lượng vũ trang, xây dựng các căn cứ địa rộng khắp từ miền ngược đến miền xuôi, từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến thôn quê; Tình hình bấy giờ, do địch càn và đàn áp khốc liệt, nhiều cán bộ ưu tú của Đảng phải nằm trong lao tù đế quốc. Năm 1944 đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt và xử bắn. Đến cuối năm 1944, Việt Minh vẫn kiểm soát được phần lớn lãnh thổ, tuy nhiên Trung ương Đảng và Bác Hồ vẫn chưa liên lạc được trực tiếp (Bác đang ở Trung Quốc).

Tại Trung Quốc, Tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu (Chiến khu của Trung Hoa Dân Quốc bao gồm các tỉnh Vân Nam - Quảng Đông - Quảng Tây) đã tập hợp các lực lượng những người Việt Nam yêu nước, trong đó có cả người theo “chủ nghĩa quốc gia” chống Pháp - Nhật thành tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Cách.

Cũng từ năm 1944 chính quyền Tưởng Giới Thạch đã cho tình báo dò xét tình hình Việt Nam và phát hiện Việt Minh đã kiểm soát 80% lãnh thổ, dân số Việt Nam. Với ý đồ thôn tính Việt Nam dưới vỏ bọc “Hoa quân nhập Việt”, các tướng lĩnh dưới quyền Tưởng Giới Thạch âm mưu thống nhất Việt Minh và Việt Cách, dùng lực lượng hỗ trợ để biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc. Vả lại, được chính quyền Tưởng Giới Thạch bảo trợ, Quốc Dân Đảng đã mượn danh Việt Cách, mời Việt Minh đến mở Hội nghị đàm phán, hợp tác chống Nhật. Đảng ta đã nhận lời và cử một Đoàn đại biểu Việt Minh sang Trung Quốc tham gia đàm phán, đoàn gồm năm người, do đồng chí Hạ Bá Cang - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Trưởng Đoàn.

Người trong đoàn gồm những ai?

Do chính sách không hợp tác với Cộng sản của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc/Quốc Dân Đảng đứng đầu là Tưởng Giới Thạch, nên các thành viên trong Đoàn đại biểu Việt Minh đã bí mật thay tên, đổi họ để phù hợp với công tác ngoại giao.

Sau khi trao đổi với đồng chí Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Hạ Bá Cang quyết định chọn những người sau đây: Đặng Việt Châu (31 tuổi, người Nam Định, đóng vai đại biểu Công thương); Dương Đức Hiền (25 tuổi, đóng vai đại biểu Đảng Dân chủ); Phạm Văn Bỉnh tức Trịnh Khiêm (30 tuổi, người Hải Phòng, đóng vai đại biểu trí thức và thanh niên); Nguyễn Thượng Biểu tức Hồng (40 tuổi, người Bắc Ninh đóng vai đại biểu nông dân). Trước lúc lên đường, đồng chí Hạ Bá Cang đổi tên mới là Hoàng Quốc Việt và đóng vai Nhà tư sản lớn. (Theo cuốn Hồi ký “Đường Bác Hồ chúng ta đi” - NXB Thanh Niên, H.2008).

Đoàn do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu được đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng với cơ sở Đảng của Thành ủy Hải Phòng, Móng Cái chuẩn bị cho chuyến đi ngoại giao chính thức đầu tiên của Đảng ta (với danh nghĩa Mặt trận Việt Minh) để gặp đại diện Đồng Minh. Người tổ chức cho chuyến đi quan trọng này chính là Nhà tình báo tài ba Đào Phúc Lộc, khi đó còn rất trẻ, đã cùng chị gái phụ trách đường dây ZT tin cậy của Đảng thực hiện (ZT đường dây giao thông bí mật của Xứ ủy tại Móng Cái).

Vì sao đồng chí Đào Phúc Lộc được lựa chọn?

Đồng chí Đào Phúc Lộc (bí danh Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đời, Năm Đạo…), quê xã Vạn Xuân, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Trước khi được giao nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ quan trọng của ta sang Trung Quốc, Đào Phúc Lộc là người sớm được giác ngộ cách mạng (mới 13 tuổi). Đích danh  đồng chí Tô Hiệu - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư khu B đã kết nạp Đào Phúc Lộc vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 16 tuổi); đồng chí còn được cử làm Chi ủy viên Chi bộ Mỏ than Mạo Khê, một thời gian sau địch bắt, bị tù và quản thúc tại quê hương. Nhân khi địch sơ hở, đồng chí Đào Phúc Lộc đã vượt biên giới sang Đông Hưng (Trung Quốc), bắt liên lạc với Đảng, đảm nhận nhiệm vụ tổ chức lại đường giao liên cho Đảng từ Hải Phòng sang Trung Quốc. Năm 1940 lập đường dây đưa cán bộ từ Hà Nội - Hải Phòng - Đông Hưng và ngược lại; Đường dây  ZT do Đào Phúc Lộc phụ trách còn nhận việc chuyển thư từ tài liệu cho cấp trên, từ Trung Quốc về Hà Nội, từ Hải Phòng ra Móng Cái. Đón hàng chục cán bộ học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) về nước, trong đó có đồng chí Siêu Hải sau về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô. Mặt khác đồng chí Đào Phúc Lộc còn đảm trách nhiệm vụ tổ chức cơ sở Đảng ở Móng Cái, một vùng biên giới quan trọng. Tổng Bí thư Trường Chinh đã giao cho đồng chí tổ chức thành lập Chi bộ Đảng ở Móng Cái, thậm chí còn lập tổ Việt Minh ở Đông Hưng (Trung Quốc) để hoạt động hợp pháp dưới chính quyền của Tàu Tưởng. Từ năm 1942, Đào Phúc Lộc tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào Việt Minh ở các xã Ninh Dương, Vạn Xuân, Vạn Ninh, Trà Cổ, Bình Ngọc, Xuân Lan… rồi tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh huyện Móng Cái, xây dựng lực lượng Vũ trang tỉnh Hải Ninh, thành lập Ban giao liên duyên hải, cùng làm việc với đồng chí Nguyễn Bình (Tướng Nguyễn Bình). Năm đó Đào Phúc Lộc mới 22 tuổi.

Với lòng trung thành, sự thông minh quyết đoán, dám hy sinh vì cách mạng, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng giao, đồng thời biết cách giữ bí mật, bảo vệ an toàn cho tổ chức và cán bộ cao cấp; đồng chí Đào Phúc Lộc đã sớm được Đảng tin cậy một cách đặc biệt. Nhiệm vụ đưa đoàn công tác của Đảng Cộng sản Đông Dương sang Đông Hưng (Trung Quốc) làm công tác ngoại giao lần đầu được coi là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguy hiểm. Tính mệnh của các thành viên trong Đoàn liên quan mật thiết đến thành - bại của cuộc chiến trong thời kỳ giành chính quyền cách mạng năm 1945.

Nhiệm vụ và tình huống đồng chí Đào Phú Lộc phải xử lý

Trước chuyến đi sang Đông Hưng, Đào Phúc Lộc cùng mọi người  họp nhau bàn bạc kỹ lưỡng các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng chí còn bố trí cho đoàn  đi trên nhiều thuyền, phòng địch vây bắt “cả cụm” và hẹn gặp tại Đông Hưng (Trung Quốc). Các lái thuyền do đồng chí Lộc lựa chọn đều là những người trung thành với cách mạng, thạo nghề sông nước. Đào Phúc Lộc còn bàn với Đoàn  quyết định lấy Lễ Nôel ngày bọn Tây đi nhà thờ (25/12/1944) làm thời điểm xuất phát. Với những thuyền buồm cánh dơi nâu, Đào Phúc Lộc đã đưa từng thành viên của Đoàn, xuất phát từ Hải Phòng rồi vượt chặng dài đến Móng Cái, qua vịnh Hạ Long, vượt sông Ka Long sang đất Trung Quốc.

Chuyến ngoại giao này tuy được bảo đảm an toàn, nhưng trên đường đi Đoàn vẫn gặp một số khó khắn do mưa bão và sự khám xét của địch.

Đoàn của đồng chí Hoàng Quốc Việt qua cửa Lạch Tray, thuyền đi ngang qua đảo Cát Bà, rồi vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông... nhằm hướng Móng Cái mà tiến. Buồm căng, gió lộng, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền, đôi lúc át cả tiếng nói của mọi người bên trong khoang. Qua “cổng trời” vài trăm mét, bỗng có tàu tuần tra của bọn lính Nhà đoan lướt tới. Chúng chiếu đèn vào thuyền của Đoàn, rồi ghé sát tàu vào thuyền. Một tên hỏi “Đi đâu?” Lái thuyền người Trà Cổ, dường như có quen với tên lính này, chậm rãi nói “Mấy ông này làm chuyến buôn sang Móng Cái. Còn tôi thì chở thuê”. Tên lính nhìn vào trong thuyền thấy toàn chiếu cói, giấy trang kim, hương, nến, những thứ không phải quốc cấm, y không nói gì, lẳng lặng trở về tàu. Thế là thoát.

Theo quy ước từ trước, thuyền từ Hải Phòng tới Móng Cái của ai đến trước, cứ việc qua sông sang Trung Quốc trước. Thuyền của đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục qua Móng Cái, tới gần sông Bắc Luân bỗng một tên lính ngụy chạy tới. Hắn khum bàn tay vào mồm gọi to bắt thuyền quay lại để khám xét. Lúc này thuyền đã quá nửa sông bên kia của phía Trung Quốc, tên lính không làm gì được. Tới Đông Hưng, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các thành viên tìm đến trụ sở “Biện sự xứ”. “Biện sự xứ” thực chất là trạm liên lạc của đại diện Việt Minh Cách mạng Đồng chí Hội tại Đông Hưng. Việc này do Bác Hồ đã sắp đặt từ trước.

Chờ mọi người sang sông an toàn rồi, Đào Phúc Lộc và một cô gái chốt cuối cùng. Trên đường đi, Lộc mang theo một con lợn giống đến Móng Cái để bán lấy tiền cũng nhằm che mắt địch. Còn cô gái đội thúng tài liệu ngụy trang theo sau. Chẳng may bọn lính đi tới, thấy thúng chằng chịt kỹ lưỡng, chúng đòi khám xét. Cô gái hốt hoảng, ôm thúng chạy ra bờ sông. Luống cuống thế nào, cô đánh rơi thúng xuống sông. Đào Phúc Lộc thấy nguy cấp vội lao xuống sông, ôm thúng tài liệu rồi lặn ngụp sang bờ bên kia. Bọn lính đứng trên bờ bắn xối xả nhưng không trúng. Đồng chí Đào Phúc Lộc nhờ thế mà thoát chết và bảo vệ được tài liệu mật của Đảng. Chỉ tiếc là cô gái bị chúng bắt.

Khẳng định sự trung thành, trí tuệ, dũng cảm và tận tụy với Đảng

Đoàn của ta được gặp Bác Hồ tại Bách Sắc và được nghe chỉ đạo của Người. (Bách Sắc là huyện lỵ ở Tây Bắc tỉnh Quảng Tây, nơi Bộ Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu của Chính quyền Trung Hoa Dân quốc đóng năm 1944-1945). Tại Bách Sắc Đảng ta đã ứng xử rất mưu lược, thành công, lừa được Tướng Trương Phát Khuê bằng sự chấp nhận hợp tác với Việt Minh trong lúc thế nước chông chênh. Chúng ta vừa phải tranh thủ ủng hộ phe Đồng Minh chống Phát xít để cho “Hoa quân nhập Việt” (dù không muốn), vừa tránh xung đột để bảo toàn lực lượng cho cách mạng tiến lên một bước mới.

Sự kiện Bách Sắc đã quyết định cho sự thành công của cách mạng tháng Tám, ra đời nước Việt Nam mới, trong đó có sự cống hiến của con đường ZT huyền thoại mà Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo - người Anh Cả của ngành Tình báo Việt Nam đã gây dựng từ những năm 1939.

Bằng trí thông minh, nhanh nhẹn, nhạy bén khi phán đoán các tình huống và lường trước mọi sự cố có thể xảy ra, Đào Phúc Lộc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đưa đoàn ta đi - về an toàn và chuyến đi thành công về mọi mặt. Đây cũng là bước đệm để sau này Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đào Phúc Lộc/Hoàng Minh Đạo trở thành một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

(Tài liệu tham khảo “Sự kiện Bách Sắc mùa xuân 1945 và con đường ZT huyền thoại…” của Nhà nghiên cứu Lịch sử Hạ Chí Nhân, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Anh Hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc - Người Cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động Tình báo xuất sắc”, tháng 4/2018).

Ths. Nguyễn Kim Thành
Loading...