Dấu tích văn hóa Việt nơi biên ải

29/12/2017 08:25
Ở vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc - thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, những di tích lịch sử có yếu tố tâm linh được trân trọng đặc biệt, bởi lẽ nó không chỉ tồn tại như một minh chứng về lịch sử hình thành nơi cư trú của người Việt gắn bó với phong tục, tập quán mà còn là biểu tượng của chủ quyền lãnh thổ.

 

Đền Xã Tắc di tích lịch sử lâu đời ở vùng biên Móng Cái

Đền Xã Tắc là di tích lịch sử lâu đời nhất ở thành phố Móng Cái hiện nay. Điều đặc biệt là đền tọa lạc gần sát con sông biên giới Ka Long, được nhân dân trong vùng thờ cúng, liên tục nhang khói. Khu đền đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 2005. Từ đó đến nay, khu vực này được đặc biệt xem trọng, như là cách trân trọng vốn lịch sử văn hóa, chắt lọc và sử dụng để thúc đẩy hình ảnh toàn diện các mặt văn hóa - xã hội, kinh tế giao thương tại Móng Cái.

Mặc dù từng bị đổ nát, hoang tàn, dịch chuyển cả nền móng và thất lạc nhiều đồ thờ, nhưng hồn cốt, tâm linh của đền Xã Tắc vẫn còn. Hiện nay, đơn vị thi công khu vực cụm di tích đền và chùa Xã Tắc đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn cuối công trình. Mặt bằng công trình phong quang sạch đẹp, tiện đường đi lại. Nguồn đầu tư từ xã hội hóa. Đây sẽ là điểm hẹn văn hóa của vùng biên ải Đông Bắc, nơi sẽ diễn ra các hoạt động tâm linh, cũng như các lễ hội lớn.

3 văn bia cổ còn lưu tại ngôi đền ghi rõ, đền Xã Tắc được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV, dưới thời nhà Trần. Đền thờ Tam Thánh là Xã Tắc Đại vương thành hoàng Châu Móng Cái xưa; Cao Sơn Đại vương, thần chủ về văn hóa nước Đại Việt và Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng. Hiện nay, vị tướng có nhiều công trạng giữ yên bờ cõi, bảo vệ chủ quyền trong lịch sử Việt Nam là Trần Quốc Tảng cũng được thờ tự trang nghiêm tại đền Cửa Ông ở khu vực Cửa Suốt, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Như vậy, việc thờ tự các vị thần tại đền Xã Tắc đều mang nét đặc trưng văn hóa của người Việt, có sự giao thoa, thừa hưởng và kết nối với các khu vực lân cận.

Với dân ta, việc thờ tự các vị tướng có công xông pha trận mạc là nét đặc trưng của văn hóa tâm linh. Hơn thế nữa, khu vực Đông Bắc xưa đã có thời kỳ phong cấp cho dòng họ Trần, với nhiều danh tướng lập nhiều chiến công hiển hách. Hiện, di tích về Thái ấp vẫn còn tại Đông Triều, Quảng Ninh và nhiều di tích liên quan khác, tạo thành chuỗi các địa chỉ văn hóa có tính liên thông, mang giá trị nghiên cứu và lưu giữ lịch sử. Tại đền Xã Tắc hiện có bức hoành phi ở tiền đường: “Thượng đẳng tối linh thần” và câu đối: “Công tại Trần triều danh tại sử, Sinh vi tướng quốc hoá vi thần”, dịch nghĩa là có công với nhà Trần danh thơm ghi sử sách; sống là tướng quốc, chết hóa là thần.

Riêng tên của ngôi đền: Đền Xã Tắc đã bao hàm ý của người xưa dựng đền, cũng là dựng lên dấu ấn tâm linh, cầu bình an, giữ đất đai quê hương xứ sở. Trước kia, đền có tên gọi  là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương”. Với vị trí trọng yếu trên mảnh đất biên giới địa đầu Tổ quốc, ý nghĩa của ngôi đền vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng, hay một vùng mà trở thành nơi thờ thần non sông. Đền từng được trùng tu nhiều lần, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và hiện nay, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã đặt chân tới nơi thờ tự linh thiêng này.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc biệt như vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo đền Xã Tắc với mục tiêu: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích, đồng thời, tạo cảnh quan khu vực, hình thành điểm du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Móng Cái. Công trình đền Xã Tắc được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 20.000 mét vuông, bao gồm khu đền chính được xây dựng phục hồi trên nền đền cũ, có tổng diện tích là 308 mét vuông, gồm có cổng nghi môn ngoại, cổng nghi môn nội, nhà tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh và một số công trình khác.

Chắt lọc vốn văn hóa để phát triển đang là mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh. Khu di tích đền Xã Tắc sẽ là chốn neo lại bình yên ở vùng đất đang thúc đẩy giao thương mạnh mẽ như Móng Cái.

Loading...